Giảm thủ tục phiền hà khi tham gia BHYT

17/06/2015 06:00 GMT+7

Bộ Y tế đã có ý kiến đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Bộ Y tế đã có ý kiến đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Vẫn còn các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người tham gia BHYT - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, khảo sát tại một số địa phương trong các tháng đầu năm 2015 cho thấy vẫn còn các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người tham gia BHYT như: Người dân phải chứng minh sự tham gia BHYT của từng thành viên gia đình bằng việc photocoppy thẻ BHYT của người đã tham gia; phải có xác nhận tạm vắng đối với người có tên trong hộ khẩu hoặc từng đăng ký tạm trú tại địa phương nhưng đã chuyển đi nơi khác làm việc, sinh sống; photocopy giấy ly hôn để chứng minh người chồng/vợ đã ly hôn không thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình…
5 tháng đầu năm 2015, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình có tăng 227.000 thẻ so với năm 2014, mặc dù vẫn có một số tỉnh tỷ lệ người tham gia BHYT theo hộ gia đình giảm trên 10% như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết để thuận lợi cho người dân, Bộ Y tế đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hướng dẫn cụ thể việc kê khai, lập danh sách, thu BHYT theo hướng đơn giản thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, đảm bảo sự thống nhất trong triển khai để tránh làm phát sinh những thủ tục phiền hà. Quá trình làm thủ tục không bắt buộc người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia BHYT của thành viên hộ gia đình (như photocopy thẻ BHYT của thành viên hộ gia đình đã tham gia BHYT; không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã).
Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội VN nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu BHYT theo hướng cá nhân, cơ quan nào dễ tiếp cận với người dân nhất đều có thể làm đại lý thu BHYT (ví dụ: Trạm y tế xã/phường; phòng khám bác sĩ gia đình, bưu điện).
Mua BHYT cho người cận nghèo
Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
hộ gia đình - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo Bộ Y tế, để hoàn thành mục tiêu bao phủ 75% dân số có Bảo hiểm y tế trong năm 2015, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2015 - 2020, bao gồm số đối tượng và tỷ lệ bao phủ theo dân số cụ thể cho mỗi tỉnh, thành phố và coi đây là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, Bộ Y tế cho rằng các bộ ngành nghiên cứu đề xuất phương thức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình mới thoát nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo hướng vừa được hỗ trợ mức đóng vừa được giảm mức đóng khi toàn bộ thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố huy động nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo (ngân sách hỗ trợ 70%). Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc xác định và lập danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn để cơ quan BHXH có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này.
Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương xây dựng và ban hành danh sách các xã đảo, huyện đảo để có cơ sở lập danh sách mua thẻ BHYT cho cư dân sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo theo quy định của luật Bảo hiểm y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.