Quyết tâm cắt giảm thủ tục thuế thời gian qua của ngành thuế rất quyết liệt. Nhưng cần phải nhắc lại là 7 năm nay, trải qua hàng loạt đợt cải cách mới giảm được từ 1.050 giờ xuống còn 870 giờ (gần 200 giờ). Vậy mà chỉ trong 2 tháng, nhà quản lý tuyên bố đến tháng 6.2015 sẽ giảm xuống còn 171 giờ (giảm gần 700 giờ). Mới nhìn vào phép cộng trừ cơ học này đã thấy đây là một nhiệm vụ bất khả thi.
Muốn làm được như vậy phải “lột da, đổi thịt”, phải có cải cách đột biến chứ không phải hô hào suông mà được. Giảm xuống còn 171 giờ tức đã tiệm cận tới tốp đầu các nước trong khu vực, nhưng thử nhìn sang thì thấy các quốc gia Thái Lan, Singapore… họ đang áp dụng công nghệ rất tiên tiến hiện đại, còn ở ta chủ yếu vẫn cồng kềnh giấy tờ này, ban bệ nọ.
QH tuần này họp bàn một loạt dự thảo luật thuế, trong đó dự tính ban hành riêng một luật thuế để sửa bốn luật. Trong đó, đề xuất của Chính phủ như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), cá nhân cho một số đối tượng... rất cần thiết trong điều kiện khó khăn hiện nay nhưng vấn đề cốt tử, quan trọng nhất là cải cách thủ tục hành chính thuế thì vỏn vẹn chỉ có mấy cái gạch đầu dòng như: trang bị công nghệ thông tin; không yêu cầu DN phải nộp chứng từ trong hồ sơ khai thuế, hoàn thuế nếu cơ quan quản lý đã có...
Những cái đó cần, nhưng lại chưa đủ, nếu không muốn nói quá ít và quá thiếu so với “tầm” của QH để đưa ra quyết sách căn cơ nhất về thể chế, chính sách thuế. Cái lớn nằm ở chỗ, phải làm sao hay đổi được “não trạng” ăn sâu vào tiềm thức cán bộ thuế là bề trên của DN. Phải loại bỏ được sự lạm quyền trong các giấy phép con, mà DN vốn đã quá ư sợ hãi với các cụm từ “về bổ sung thêm các giấy tờ có liên quan rồi mang lên đây”.
Quy định của pháp luật phải minh bạch, cụ thể, không để hiểu theo nhiều cách khác nhau. Giấy tờ liên quan khác là giấy gì thì biết bao nhiêu cho đủ, biết cái gì liên quan hay không liên quan. Hành nhau, gây khó dễ, nhũng nhiễu, ăn tiền ở đây mà ra.
QH phải quyết cái gì, khi mà những vấn đề cải cách thể chế vẫn còn nằm ở đâu đó chưa được đề xuất lên. Đơn cử, mỗi DN khi đi khai sinh phải gánh vài loại mã số, nào là mã số kinh doanh, mã số thuế; mã riêng ngành kinh doanh có điều kiện. Ông bán phở cũng vậy… Cải cách thì phải dồn 3 làm một, không để DN chạy hết bên thuế, lại sang bên KH-ĐT rất mất thời gian, tốn tiền vô ích.
Rồi kê khai thuế, tại sao muốn cắt giảm triệt để không bỏ quy định giảm tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý? Nên chuyển sang kê khai theo năm, còn việc nếu cứ để vì sợ DN trốn thuế thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát và khâu hậu kiểm lên. Hóa đơn nói cải cách, cho DN được tự in nhưng sau một thời gian triển khai không quản được lại quay ra bắt phải mua một quyển mấy liên. Mất hóa đơn lại đi truy tố, coi như mất tiền. Như vậy sao có thể gọi là thông thoáng, tạo điều kiện cho DN?
DN chây ì, trốn thuế thì bị “bêu” tên, bị khởi tố. Còn cán bộ thuế nhũng nhiễu, ăn chặn, làm thất thoát thì không thấy ai bị xử lý chỉ bị nhắc nhở, khiển trách. Sự bất bình đẳng đó là do luật còn chung chung, không quy trách nhiệm rõ ràng người thực thi, người đứng đầu.
Còn nhiều, rất nhiều những khó khăn, vướng mắc mà ngành thuế muốn cải cách, thay da đổi thịt thực sự phải tham vấn ý kiến DN, người dân. Nếu cứ hô hào, nói một chiều thì e rằng những con số hào nhoáng đưa ra chỉ để làm đẹp và báo cáo thành tích mà thôi.
PSG-TS Ngô Trí Long
>> Gấp rút cắt giảm thủ tục thuế cho doanh nghiệp
>> Giảm thủ tục thuế
Bình luận (0)