Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT thêm 6 tháng
Hiện tại, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) chỉ kéo dài đến hết tháng 6 tới đây. Chính phủ cho rằng để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình KT-XH, cân nhắc tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023. Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2024. Trong đó, tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2%, gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được khi giảm 2% thuế GTGT theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024, thực hiện từ ngày 1.7 đến hết 31.12.2024. Dự báo, việc áp dụng giảm 2% thuế GTGT sẽ làm giảm thu 24.000 tỉ đồng (tương đương 4.000 tỉ đồng/tháng). Trong 6 tháng đầu năm 2024, việc giảm 2% thuế GTGT khiến thu ngân sách giảm 23.488 tỉ đồng, thì việc tiếp tục giảm trong nửa cuối năm khiến ngân sách của cả năm 2024 sẽ giảm thu khoảng 47.488 tỉ đồng.
Chính phủ cho rằng chính sách giảm thuế GTGT đã góp phần giúp giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành ủng hộ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết năm nay. Bởi từ đầu năm đến nay, mặc dù kinh tế VN có những điểm sáng nhất định nhưng vẫn còn một vấn đề lớn đang tồn tại, là niềm tin của thị trường và tiêu dùng. Trong năm 2023, đầu tư tư nhân chững lại, con số thống kê danh nghĩa có tăng chút ít, nhưng khi loại trừ yếu tố giá thì thực chất là giảm ít nhiều. Đặc biệt, một động lực để duy trì đà tăng trưởng là tiêu dùng có mức tăng thực ngày càng giảm. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vi mô, hoạt động ổn định của thị trường tài chính, vốn, kích cầu về tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư (FDI, tư nhân, công). Trong đó, tiếp tục áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ hoãn nợ, giảm thuế, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực mới để VN bắt nhịp với tăng trưởng thế giới.
Hơn nữa, trong khi một loạt chính sách kích cầu từ tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu cho đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thì chính sách tiền tệ có độ linh hoạt không còn nhiều, nên quan trọng là chấp nhận một mức hỗ trợ bằng chính sách tài khóa quyết liệt hơn.
Xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân
Hoàn toàn ủng hộ với đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT đến hết năm 2024 của Chính phủ, PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cần phải xem xét thực hiện thêm nhiều giải pháp khác để kích thích thị trường tiêu dùng. Trong đó việc xem xét lại quy định về thuế TNCN là cần thiết. Cụ thể, một trong những bất cập được nêu nhiều nhất tại các phiên thảo luận về ngân sách nhà nước của Quốc hội trong năm 2023 vừa qua là mức giảm trừ gia cảnh (GTGC). Hiện nay, mức GTGC cho người nộp thuế là 11 triệu đồng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng đã được duy trì từ tháng 7.2020. Với mức sống của hàng triệu người dân thành thị hiện nay thì mức giảm trừ trên không đủ trang trải cho những chi phí từ thuê nhà đến đi lại, sinh hoạt hằng ngày khi giá cả không ngừng tăng cao.
Ông Anh phân tích: VN là nước có thu nhập trung bình thấp và theo đó phần lớn chi tiêu của người dân là dành cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Một người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, có thể đã phải chi đến 80% cho nhu cầu thiết yếu. Tại những nước mà người dân có thu nhập cao, chẳng hạn lên tới 100 triệu đồng/tháng thì chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu chỉ chiếm 20 - 30%. Do vậy, biểu thuế, thuế suất thuế TNCN ở VN không nên cao như những nước phát triển, bởi khi đó thuế sẽ "lấy đi" phần chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Hơn nữa, các bậc thuế sát nhau khi nhảy từ 5% lên 10%, 10% lên 15% chỉ cách nhau vài ba triệu đồng. Như vậy, thu nhập chỉ cần cải thiện chút ít là đã rơi vào diện chịu thuế mới, lên đến đỉnh 35% là mức rất cao so với các nước có thu nhập trung bình. Nếu vẫn giữ cách đánh thuế như hiện nay sẽ dẫn đến một số hệ lụy nhất định: Những người dân trung thực, tuân thủ pháp luật sẽ chịu thiệt; khi thuế TNCN càng cao thì sẽ càng khiến người dân có tâm lý trốn tránh. Nếu thuế TNCN được thu ở mức vừa phải, hợp lý thì người dân sẽ tự nguyện tuân thủ pháp luật tốt hơn. Việc tăng mức GTGC, rút ngắn thời gian điều chỉnh, thiết kế lại biểu thuế cho phù hợp chưa chắc đã làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.
Đồng tình, luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, cho rằng việc giảm 2% thuế GTGT kéo dài đến hết năm 2024 là đúng trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là sức mua khá yếu. Đây là một giải pháp để kích cầu tiêu dùng trực tiếp. Ngoài lợi ích của việc giảm thuế GTGT, luật sư Trần Xoa nhấn mạnh, Chính phủ cần xem xét nâng mức GTGC cho người nộp thuế TNCN. Đây là giải pháp phối hợp cùng chính sách giảm thuế nói chung để gia tăng hiệu quả, hỗ trợ tiêu dùng và sản xuất. Trong năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến sự bất hợp lý của quy định về thuế TNCN, mức GTGC đã được nêu rõ quá lạc hậu. Chính phủ cũng có nhiều lần nhắc Bộ Tài chính xem xét nghiên cứu về mức GTGC đối với thuế TNCN.
"Trong khi chờ đến cuối năm 2025 mới sửa đổi luật Thuế TNCN toàn diện thì trước mắt, Chính phủ có thể xem xét trình Quốc hội nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên 15 triệu đồng và theo đó nâng mức GTGC cho người phụ thuộc lên bằng 40% mức GTGC của người nộp thuế. Chỉ cần thay đổi một quy định này là đã góp phần đẩy mạnh tiêu dùng, tổng lực kích cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", luật sư Trần Xoa đề xuất.
Luật quy định khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức GTGC, song rõ ràng là khi áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề. Trong thực tế, một số hàng hóa cơ bản trong khoảng thời gian 2013 - 2020 đã tăng 2 - 3 lần chứ không phải tăng 20%. Hơn nữa, với quy định trên, giả sử lạm phát cứ ở mức 15 - 17% thì theo luật sẽ chưa được điều chỉnh; nếu như mức lạm phát đó kéo dài tới hàng chục năm, vậy thì mức giảm trừ cũng phải chờ tới hàng chục năm để điều chỉnh. Khi đó, người tiêu dùng, hộ gia đình sẽ bị thiệt.
PGS-TS Phạm Thế Anh
Bình luận (0)