Giãn cách xã hội: Hướng dẫn chồng và con biết cách tự nấu ăn ra sao?

Lê Thanh
Lê Thanh
29/07/2021 20:01 GMT+7

Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội dài ngày để phòng dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16, nhiều người vợ trẻ cho biết họ đã hướng dẫn chồng, con của mình biết cách vào bếp nấu những món ăn đơn giản cho bữa cơm hằng ngày.

Giãn cách xã hội: Sau một tuần hướng dẫn, ông xã đã biết chiên cá…

Theo chị Trần Phương Ánh (35 tuổi), ngụ trên đường Vườn Chuối, P.4, Q.3 (TP.HCM), những công việc bếp núc, nội trợ của gia đình nhiều năm nay ở trong nhà chồng con cứ mặc nhiên mình làm tất tần tật.
“Tuy nhiên, khu vực ở nhà mình bị phong tỏa, rồi tiếp đến là TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 thì các thành viên trong gia đình ở yên trong nhà để phòng dịch Covid-19. Và thế là đều đặn mỗi ngày 3 bữa một tay mình cứ quần quận nấu nướng suốt ngày để phục vụ cho cả gia đình, mọi người cứ chờ đến bữa dọn lên là ngồi vào bàn để ăn”, chị Ánh chia sẻ.
Nhận thấy điều này không ổ cho lắm và cần đến lúc phải thay đổi để giúp chồng con có những kỹ năng ứng nấu nướng để ứng phó với hoàn cảnh “Bởi nếu chẳng may bản thân mình có chuyện gì ập đến và không có mặt ở nhà dài ngày trong khi hàng quán bán xung quanh không ai bán đồ ăn mang về tương tự như thời điểm TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 thì mọi người ở nhà biết xoay sở làm sao?”, chị Ánh lo lắng.

Món cá rô phi chiên vàng ươm của ông xã chị Trần Phương Ánh

Trần Phương

Từ nỗi lo lắng ấy, chị Ánh cho biết: “Cách đây độ chừng 10 ngày, trong một bữa họp mặt có đầy đủ các thành viên trong gia đình sau bữa cơm, mình đưa vấn đề này ra bàn luận và thống nhất mỗi lần mình vào bếp nấu ăn thì chồng và con trai phải cùng xem để được mình hướng dẫn”.
Rồi chị Ánh kể: “Những ngày đầu ông chồng cứ làm trật lên, trật xuống và không đâu vào đâu. Có hôm mình ướp cá xong rồi dặn ông xã để đó mình lên lầu phơi đồ xong xuống chỉ cho chiên cá, rồi ổng tài lanh bắt chảo lên chiên. Khi chảo dầu chưa nóng thì ổng quăng con cá vô khiến dầu văng tứ tung, cũng may là lúc đó dầu trong chảo chưa nóng chứ không thì bị bỏng người rồi. Chưa hết, có hôm nhờ ảnh canh dùm chảo cá vì đang chiên vì mình có việc thì ảnh để hoài không chịu trở, khi mình phát hiện thì về một mặt của con cá khét lẹt, cháy đen luôn”.

Món bò xào đậu que của chồng chị Trần Phương Ánh

Trần Phương

Theo chị Ánh, đó là những khó khăn và chập choạng trong một tuần đầu tiên, chứ đến nay thì ông xã của mình không những biết chiên cho cá thật vàng ươm mà còn biết nấu thêm 1, vài món nữa như: rau muống luộc lấy nước vắt canh và bỏ cà chua vào làm canh và thêm món bò xào đậu que. “Từ từ mình sẽ hướng dẫn ông xã để ảnh biết nấu thêm vài món nữa. Bởi mình nghĩ do lâu nay mình ôm đồm nhiều việc chứ nếu được hướng dẫn thì ông xã vẫn nấu nướng được chứ không có gì là khó khăn với anh ấy cả”, chị Ánh nói.
Tương tự, với chị Quách Hoàng Thi (32 tuổi), ngụ tại chung cư Carllion, P.Hoà Thạnh, Q Tân Phú (TP.HCM), cho biết: “Chồng mình là con một lại sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên từ trước đến giờ không bao giờ biết vào bếp để nấu ăn là gì bởi mọi thứ đều có mẹ lo giống như công tử bột vậy. Rồi từ khi cưới mình cũng vậy, do là gái quê nên mình đảm đương luôn việc nấu nướng mỗi ngày sau khi hết giờ làm việc ở công ty. Thậm chí thời mới cưới, mỗi lần ăn cơm với cá mình phải dẻ xương cá cho ảnh ăn nếu không anh ấy sẽ bị mắc cổ”.

Món su su xào tôm của chồng chị Quách Hoàng Thi

Hoàng Thi

Thế nhưng theo chị Thi, sau những lần giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chồng chị đã thay đổi hoàn toàn. “Nếu như trước đây ông xã không biết đi chợ và nấu cơm ngay cả nấu bằng nồi cơm điện thì bây giờ những việc này đã thuần thục. Thêm vào đó, do mình đã hướng dẫn nấu ăn và ảnh cũng có nhiều thời gian để học hỏi thì nay đã biết nấu một số món kiểu như: canh chua măng nấu cá biển, su su xào tôm hay cá kèo kho tộ. Với món cá kèo kho tộ, tuy ăn không xuất sắc nhưng vẫn tạm ổn. Mình nghĩ, với cái đà chăm chú học hỏi như thế từ mình và xem thêm cách nấu ăn trên mạng dần dần ông xã sẽ biết nấu nhiều món ăn và nấu sẽ ngon thôi”.

Nấu ăn là một kỹ năng mọi thành viên trong gia đình cần phải biết

Trong khi đó, chị Lương Thị Thủy, nhà ngụ tại cuối hẻm 27/117 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thì cho biết: “Mình có một đứa con gái học lớp 8 nhưng trước giờ cháu chỉ học và không vào bếp nấu nướng bao giờ. Thời gian này do giãn cách xã hội để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 và cũng trùng với dịp nghỉ hè có thời gian rảnh nên mình tổ chức nấu ăn cho cả gia đình và sẵn tiện dạy con biết cách đi chợ, nấu ăn luôn. Tuy chưa thể nấu được những món ăn cầu kỳ nhưng sau những lần hướng dẫn thì nay con mình có thể chuẩn bị một bữa cơm đơn giản mà ăn ngon miệng cho cả nhà được rồi. Bé có thể làm món thịt luộc chấm nước mắm và dùng nước thịt luộc nấu canh bí đao, thêm món trứng chiên thịt bằm và rau muống xào tỏi nữa”.

Món trứng chiên hành tây và canh bí đao nấu thịt bằm do con gái chị Lương Thị Thủy thực hiện

Lương Thủy

Chị Nguyễn Thị Huyền, bếp trưởng của Nhà hàng Cây Dừa, Q.Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ: “Nấu ăn là một kỹ năng mà tất cả mọi thành viên trong gia đình cần phải biết và nên biết bởi ăn uống là một nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Biết nấu ăn không chỉ phục vụ cho những người thân yêu của mình mà còn phục vụ cho chính bản thân mình khi phải sống xa gia đình hoặc ở trong điều kiện không mấy tiện ích xung quanh. Đó là kỹ năng cần có và cần thiết nhất mà mỗi người phải biết để sinh tồn”. 
Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, thành viên của Nhóm tình nguyện Sắc màu cuộc sống (TP.HCM), chuyên tư vấn tâm lý miễn phí cho các gia đình trẻ, khuyên: “Ba mẹ nên cho trẻ trải nghiệm việc biết nấu ăn càng sớm càng tốt. Và đừng bao giờ làm thay cho con bạn khi mà con đang cố gắng hoàn thành, cho dù món ăn đó chưa được ngon lắm và cách bài trí chưa được hoàn hảo cho lắm. Thời gian đầu, khi con bạn chưa thể tự làm một mình thì hãy chịu khó hướng dẫn cho con và hãy động viên con khi làm xong một món ăn nào đó bằng một lời khen như hôm nay con làm vậy là tốt rồi, nhưng lần sau hãy cố gắng làm tốt hơn nữa".
Theo chị Huyền, chúng ta cứ thử hình dung, nếu trong gia đình mà mọi người cứ giao phó việc nấu nướng cho người vợ, người mẹ rồi chẳng may họ có chuyện gì không thể đảm đương vai trò bếp núc hằng ngày thì những thành viên trong gia đình sẽ ra sao?
“Vì thế, nếu tất cả các thành viên trong gia đình đều biết nấu nướng, điều đó sẽ không gặp khó khăn khi tự phục vụ bản thân trong bất cứ hoàn cảnh nào, ví như giãn cách xã hội chẳng hạn. Các thành viên trong gia đình nên hướng dẫn nhau để ai cũng biết nấu ăn, bởi điều đó sẽ giúp gắn kết tất cả mọi người trong gia đình thêm yêu thương hơn. Khi chúng ta trao cơ hội để chồng cũng như con khám phá và sáng tạo trong nấu ăn là chúng ta đang giúp họ ý thức được vai trò và sự chia sẻ trách nhiệm đối với gia đình” chị Huyền khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.