Chiều 2.2, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống kịp thời một nữ bệnh nhân bị vết thương thủng tim nguy kịch, biến chứng ngưng tim khi mổ.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân và chồng phát sinh mẫu thuẫn rồi xảy ra cự cãi. Trong lúc nóng giận, không giữ được tỉnh táo, bệnh nhân đã tự lấy dao loại cán vàng đâm vào ngực trái mình.
Ngay khi tiếp nhận ca cấp cứu nguy kịch này, các bác sĩ đã thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện, bỏ qua mọi thủ tục hành chính để khẩn cấp chuyển bệnh nhân lên phòng phẫu thuật để xử trí vết thương tim, chèn ép tim cấp.
|
Ê kíp phẫu thuật do BS.CK2 Trầm Công Chất (Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu); thạc sĩ - bác sĩ (ThS.BS) Trần Thanh Thanh Bình, BS Danh Lâm (Khoa Ngoại Tổng hợp), BS.CK2 Nguyễn Thanh Liêm (Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) đã vừa hồi sức tích cực, vừa tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Đặc biệt trong quá trình mở ngực, tim bệnh nhân ngừng đập, các phẫu thuật viên đã phải tiến hành xoa bóp tim trực tiếp và sau khoảng 90 giây tim đập trở lại.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra từ khoang màng phổi trái 100 ml máu loãng. Ở khoang màng tim ghi nhận có khoảng 300 gram máu cục và nửa lít máu tươi, vết thương tim thấu thất phải khoảng 1 cm máu phun thành tia theo nhịp đập của tim. Phải mất hơn 90 phút phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ mới giữ lại được mạng sống cho bệnh nhân. Trong quá trình cấp cứu và phẫu thuật, bệnh nhân đã được truyền 5 đơn vị máu và chế phẩm máu.
Hiện tại sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, tiên lượng khả quan, bệnh nhân đã ngưng sử dụng thuốc vận mạch và đã có thể uống sữa, ăn cháo.
|
Đây là những tổn thương rất nghiêm trọng, có thể khiến ngừng tim nhanh chóng không thể hồi phục. Trong khi đó, phẫu thuật vết thương tim rất phức tạp, độ khó cao, đòi hỏi phẫu thuật viên chuyên khoa giàu kinh nghiệm, có khả năng khâu vết thương một cách khẩn trương đúng kỹ thuật trên quả tim đang đập. Đồng thời, phải có sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương của nhiều chuyên khoa.
Cũng theo BS Chất, do vết thương thủng tim là một tối cấp cứu ngoại khoa rất nặng nên sơ cứu chủ yếu được thực hiện tại hiện trường hoặc cơ sở tiếp đón ban đầu với mục đích kéo dài tối đa sự sống của bệnh nhân cho đến khi được phẫu thuật.
“Không rút bỏ dị vật nếu còn dị vật còn găm trên ngực bệnh nhân. Phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng thực hiện các phẫu thuật lớn”, BS Chất khuyến cáo.
Bình luận (0)