Gian nan cuộc chiến giữ than - Kỳ 2: “Đánh lò” thổ phỉ

06/09/2011 00:10 GMT+7

“Các anh chuẩn bị, đúng 8 giờ có mặt tại trụ sở UBND phường, đi không quá 2 người”, 6 giờ sáng 25.8, chúng tôi nhận điện thoại từ ông Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch UBND P.Hà Khánh, TP Hạ Long (Quảng Ninh).

>>  Kỳ 1: Đột nhập lò than thổ phỉ

Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại trụ sở xã Hà Khánh, một trong những điểm nóng nhất về than thổ phỉ trên địa bàn TP Hạ Long. Nhưng sao, sau cánh cửa phòng làm việc, ông chủ tịch phường vẫn áo quần chỉnh tề ngồi bàn giấy?

Giải đáp băn khoăn của chúng tôi, ông Minh cho biết, toàn bộ lực lượng đã sẵn sàng từ sáng sớm nhưng phải “nghi binh”, bởi bất cứ một động tĩnh nào từ chính quyền đều bị các đối tượng theo sát, chỉ một cú điện thoại, mọi nỗ lực sẽ thành công cốc.

 
Khu đồi bị cày nát bởi than tặc - Ảnh: Thái Linh

8 giờ sáng, lực lượng liên ngành gần 30 người, gồm công an TP, công an, dân phòng phường, bảo vệ ngành than và một chiếc máy xúc rầm rộ xuất phát. Điểm đến là một ngọn đồi thuộc khu vực  bãi rác thải đèo Sen thuộc tổ 21 khu 3, cách UBND P.Hà Khánh chưa đầy 1 km theo đường chim bay.

Đây là khu vực nằm trong ranh giới quản lý tài nguyên của Xí nghiệp (XN) than Thành Công - trực thuộc Công ty than Hòn Gai - Vinacomin. Con đường men theo sườn đồi hình thành bởi các phương tiện vận chuyển than lậu lầy lội ken dày “ổ voi”, “ổ trâu”. Đang đi, ông Minh bất ngờ yêu cầu 2 dân phòng chạy lên trước máy xúc dò dẫm từng bước để phòng bẫy đinh của than tặc: “Kinh nghiệm xương máu, dính đinh, không có máy làm là coi như hỏng”, ông Minh nói.

Phá lò

Vượt qua một quả đồi, trước mắt chúng tôi đã thấy thấp thoáng 5-6 lán trại phủ bạt màu xanh, mỗi điểm cách nhau vài trăm mét, trong đó hàng chục người đang nhốn nháo tháo dỡ lều bạt, máy móc.

Rất nhanh, toàn bộ lực lượng chia thành nhiều mũi  đồng loạt  “đột kích” vào điểm lò lớn nhất đang khai thác - thông tin do trinh sát báo về trước đó chỉ ít phút.

Bám sát theo 2 dân phòng, PV Thanh Niên đã kịp thời có mặt tại lò. Chúng tôi vừa rút máy ảnh chưa kịp bấm đã xuất hiện 3-4 thanh niên lừ lừ tiến đến. Tuy nhiên, khi thấy nhiều sắc phục công an với công cụ hỗ trợ trong tay thì các đối tượng này đứng giãn ra quan sát.

Một thành viên trong đội liên ngành hỏi nhóm thanh niên: “Ai là chủ lò ở đây?". “Chúng cháu không biết?”. "Thế các anh đứng đây làm gì?”. “Chúng cháu... xem”. Anh dân phòng quay sang tôi: “Mấy ông này thấy đông người thì không dám manh động, chứ họ vứt đầy dao kiếm xung quanh, nếu lực lượng trấn áp không đủ mạnh, họ sẽ cướp lại tài sản”.

Lò than lậu mà chúng tôi tiếp cận còn nguyên trạng, nhóm thợ chưa kịp tẩu tán bất cứ thứ gì. Miệng lò chỉ rộng khoảng 1m2 vẫn còn lủng lẳng gầu tời than, từ trên nhìn xuống sâu hun hút không thấu đáy. Thân lò được chống đỡ sơ sài bằng những thân cây và cót ép. Trên mặt đất ngổn ngang gầu, máy tời, máy thông gió...

Sau khi biên bản được lập xong, ông Hà Văn Khoái, Đội trưởng đội bảo vệ - quân sự  XN than Thành Công kiểm tra  lần cuối để đảm bảo dưới lò không còn người rồi ra hiệu lệnh “đánh lò”.

Chiếc máy xúc được điều tới sát miệng lò giật tung các khung chống và múc đất lấp đầy lòng giếng. Còn lại đống máy móc trên mặt đất, chỉ vài cú gầu máy xúc giáng xuống đã tanh bành thành đống sắt vụn. Chủ tịch xã Nguyễn Tuấn Minh cho biết: “Số máy móc này trị giá hàng chục triệu đồng, nhưng đường sá như thế này anh em không gánh về được, hơn nữa, trụ sở phường cũng không còn chỗ chứa”.

Tại điểm lò thứ hai, nằm dưới đồi Môi trường, cũng thuộc tổ 21, do bị động nên “than tặc” đã kịp thời tẩu tán toàn bộ máy móc. Thế nhưng chiếc máy xúc phải làm việc hơn 2 tiếng mới đánh sập được lò.

Cuộc đua không hồi kết

Chỉ trong vòng buổi sáng, lực lượng liên ngành đã phá sập 4 điểm than lậu trên địa bàn P.Hà Khánh, mặc dù vậy, chúng tôi không thấy “niềm vui thắng lợi” trên mặt các thành viên. Ông Hà Văn Khoái cho biết:  “Phá xong, chúng nó lại móc lên, mình chặn chỗ này nó lại tòi ra chỗ khác, cuộc chiến này không biết bao giờ mới kết thúc nhà báo ạ?”. Chỉ tính riêng các lò than lậu tại tổ 21, có điểm trong vòng một tuần đánh tới 3 lần và đánh sập không dưới... 20 lần nhưng vẫn tiếp tục tái diễn.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại TP Hạ Long có 9/20 phường tồn tại các mỏ than lậu. Các điểm nóng nhất ở các phường Hà Khánh, Cao Xanh, Cao Thắng... hầu hết nằm trong vườn nhà dân hoặc gần với khu dân cư.

Thủ đoạn khai thác than lậu của các chủ lò ngày càng tinh vi, ông Nguyễn Văn Phong - Phó giám đốc Công ty than Hòn Gai than thở: “Cách đây vài năm, anh em đi kiểm tra cứ nhìn ngõ nhà nào có vết đen (do than rơi vãi -PV) thì 100% là làm than lậu, nhưng bây giờ, mỗi khi vận chuyển, họ phun nước rửa sạch bóng nên việc phát hiện cũng không dễ”.

Mặt khác, nhiều hầm lò nằm gần khu dân cư nên không thể dùng mìn, hoặc do địa hình phức tạp cũng không thể phá bằng máy xúc. Nếu phá bằng cách thuê người chở đất đổ xuống thì chỉ trong thời gian rất ngắn, “than tặc” đã phục hồi nguyên trạng.

Than ngày càng được giá nên nhiều chủ lò sẵn sàng bỏ ra từ vài trăm triệu đến vài tỉ thuê các thợ lò đã giải nghệ thực hiện công nghệ chống lò không khác của Nhà nước. Chính vì vậy, các đường lò than thổ phỉ đang khai thác xuống rất sâu và ăn theo chiều ngang hàng trăm mét.

Quan điểm, hành động của chính quyền Quảng Ninh đối với than lậu là khá quyết liệt nhưng hiệu quả lại không được như mong đợi. Trong khi lực lượng đánh than vẫn mướt mồ hôi quần thảo trên các sườn đồi thì các đường giao thông dường như đang để ngỏ cho xe than tha hồ cõng vàng đen ra cảng. Tại P.Hà Khánh, ngay sau buổi đánh sập 5 lò than lậu, từ 21-23 giờ đêm, đứng ngay bên đường lớn, PV Thanh Niên vẫn chứng kiến hàng đoàn xe tải, mỗi đoàn từ 4 - 5  chiếc chở than lậu chạy rầm rập trên đường nhằm hướng Hải Phòng thẳng tiến mà không có bất cứ trở ngại nào.

Thái Sơn - Khánh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.