>> Kỳ 4: Thất thoát từ Vinacomin
Ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, người nhiều năm trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch chống than thổ phỉ phân tích: "Tại các mỏ vẫn còn tình trạng tài xế xe than “cắt tóc gội đầu”. Khi chở than ra khỏi mỏ thì tài xế gạt bớt than trên xe xuống, gọi là cắt tóc; sau đó bơm nước vào than để tăng độ ẩm, vẫn đảm bảo khối lượng, đó gọi là gội đầu. Để tránh thất thoát trong quá trình vận chuyển, ngành than cần tập trung đầu tư các tuyến băng tải để thay thế xe ô tô chở than. Khi đó, vừa hạn chế được tình trạng tài xế ăn cắp than, vừa tránh ô nhiễm môi trường".
Bọn trộm than đào đất tìm than ngay dưới chân cột điện cao thế ở TP Hạ Long, Quảng Ninh - Ảnh: Thái Linh |
Đấu thầu quyền khai thác
Để giải quyết nạn cướp than, ông Thông đề xuất phương án: "Các ngành chức năng sẽ khảo sát, đánh giá trữ lượng tại các khu vực lộ vỉa (vỉa than nằm ngay trên mặt đất) với trữ lượng từ vài chục đến 500-700 ngàn tấn, để tổ chức đấu thầu, giao cho các đơn vị chuyên ngành lập dự án bồi thường, hỗ trợ di dời dân, tập trung khai thác trong 1-2 năm rồi trả lại mặt bằng. Như vậy, khi đã khai thác hết than thì bọn trộm than sẽ không còn nhòm ngó, các ngành chức năng không phải căng sức ra để giữ tài nguyên nữa".
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng - Vinacomin, nêu giải pháp căn cơ, lâu dài là cho đấu thầu quyền khai thác. "Việc đấu thầu quyền khai thác các mỏ than không nên chỉ thực hiện đối với các mỏ mới chưa cấp phép, mà cần áp dụng cho cả các mỏ đã cấp phép. Khi đó, các mỏ than đang hoạt động hiện nay sẽ có chủ thực sự. Nếu còn tình trạng “chủ mỏ hờ” như hiện nay, sẽ rất khó bảo vệ, duy trì, khai thác và tiết kiệm tài nguyên than", TS Sơn phân tích.
Về giải pháp đấu thầu, ông Đỗ Thông nhìn nhận: "Tôi cho đây cũng là một giải pháp hay và mang ý nghĩa lâu dài. Khi áp dụng cơ chế này, các chủ mỏ sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng về việc bảo vệ tài nguyên, Nhà nước cũng không phải bỏ quá nhiều tiền bạc, nhân lực để ngăn khai thác than trái phép”.
Chấm dứt cơ chế 2 giá "Ngoài ra, vấn đề than xuất lậu đang rất nhức nhối còn là hệ quả của cơ chế 2 giá. Ở VN đã vận hành thị trường điện, chính Vinacomin đã và đang phải bán điện do mình sản xuất ra cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và mua điện của EVN để sử dụng đều theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, EVN chỉ mua than của Vinacomin với giá thấp hơn giá than xuất khẩu là điều vô lý. Thị trường điện đã được vận hành, không có lý do gì chưa vận hành thị trường than. Rõ ràng, chúng ta phải sớm tiến tới đấu giá bán than nội địa như đang đấu giá bán than xuất khẩu hiện nay" - TS Nguyễn Thành Sơn |
Tăng chế tài, xử lý hình sự...
Ông Vũ Văn Hợp, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, Quảng Ninh, đề xuất: "Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên các cấp, đề nghị tăng nặng chế tài, xử lý hình sự hành vi khai thác, vận chuyển than trái phép. Hiện nay, nhiều lần chúng tôi bắt được xe tải, tàu thủy, sà lan chở than trái phép nhưng không thể thu được phương tiện vận tải (hầu hết là của doanh nghiệp vận tải chở thuê). Nếu chế tài của Nhà nước đủ mạnh, cho phép tịch thu phương tiện thì không chủ phương tiện nào dám chở than lậu. Như vậy, có thể hạn chế rất nhiều tình trạng khai thác than trái phép vì không ai đi đầu tư lò than trái phép để rồi không mang được than đi tiêu thụ.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long, một số nhà dân có than ở bên dưới đã cho thuê hoặc bán cho chủ lò than để ngụy trang, đào than trái phép. Chúng tôi đang thực hiện biện pháp, nếu phát hiện tình trạng đó sẽ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao lại cho các đơn vị ngành than quản lý".
Tương tự, ông Lê Chí Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất than tại Quảng Ninh, Trưởng ban Thanh tra bảo vệ Tập đoàn Vinacomin, cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ban hành thông tư liên bộ hoặc nghị định xử lý hình sự đối với cá nhân, tổ chức cố tình khai thác than trái phép. "Cần quyết liệt cấm than “thổ phỉ” như đã làm với việc cấm pháo thì chắc chắn tình trạng khai thác than trái phép sẽ giảm đi rõ rệt", ông Phúc nói.
Ngoài ra, theo ông Phúc, ở Quảng Ninh hiện nay vẫn còn một số kho, bến than của các tổ chức, tư nhân nằm ngoài các bến bãi quy hoạch, do đó dễ xảy ra tình trạng trà trộn than tận thu chất lượng xấu với than tốt để xuất đi Trung Quốc. "Chúng tôi đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp, chỉ đạo giải tỏa các bến, kho than trái phép, nằm ngoài quy hoạch. Bên cạnh đó, ở các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương có rất nhiều bến bãi kinh doanh than có phép và không phép. Đây chính là địa điểm lý tưởng để các đầu nậu tập kết than số lượng lớn rồi xuất đi Trung Quốc. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo đồng bộ các tỉnh dẹp bỏ các bến bãi kinh doanh than trái phép", ông Phúc đề nghị.
Thái Sơn - Khánh Linh
Bình luận (0)