7 giờ sáng một ngày trung tuần tuần tháng 6, chúng tôi có mặt trên đường ra đảo Cát Bà và ghi nhận hàng chục xe khách đang lao vun vút qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện bỗng giảm tốc độ rồi khựng lại trước đoạn đường nhỏ hướng về phía phà Gót (thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng).
Tại đây có một đoàn xe ùn ứ dài cả ki lô mét. Một lái xe hô lớn: “Đường tắc, ai muốn đi bộ đến phà thì xuống xe”. Không lẽ ngồi chờ trên xe, nhiều du khách xuống đi bộ hoặc cố tìm vào bóng mát tránh nắng.
Anh Vũ Việt Chinh, một du khách Hà Nội, cho biết: “Xe tôi qua cầu Tân Vũ từ 6 giờ 30 nhưng giờ là gần 8 giờ mà chưa qua được phà, không biết bao giờ mới đến lượt”. Giống như anh Chinh, anh Trần Văn Long cũng đến từ Hà Nội, cho hay: “Trước khi đi, chúng tôi đã gọi cho người quen dưới này và được khuyên là nên đi ngày thường cho đỡ tắc đường mà vẫn thế này, cuối tuần thì không biết còn tắc thế nào nữa”.
Theo thống kê của UBND huyện Cát Hải, lượng khách du lịch đến đảo Cát Bà gần đây tăng đột biến, khiến khoảng 4.000 phòng lưu trú tại đây đã kín khách đến hết tháng 7. Cụ thể, tháng 5 vừa qua có 385.000 lượt khách đến Cát Bà, tháng 6 sẽ có khoảng 576.000 lượt, tăng khoảng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2017. Còn theo Công an thành phố Hải Phòng, mỗi ngày có từ 1.000 - 2.000 ô tô và 7.000 - 14.000 người qua phà Gót sang đảo Cát Bà.
Đáng chú ý, đoạn đường nối từ cầu Tân Vũ - Lạch Huyện tới phà Gót rất hẹp, không có điểm quay đầu và gần như độc đạo nên không thể giải tỏa phương tiện khi có sự cố, khiến chiều từ Cát Bà trở về cũng ùn tắc như trên. Không chỉ có du khách mệt mỏi, các lái xe hợp đồng cũng không vui vẻ khi chở khách đi Cát Bà mùa này.
Trên thực tế, bến phà Gót đã hoạt động hết công suất với 5 phà lớn (trọng tải 100 tấn), 3 phà nhỏ (trọng tải 50 tấn) cùng hoạt động, toàn bộ cán bộ nhân viên tại đây phải làm việc từ 4 giờ sáng đến khi hết khách. Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cũng đã cải tạo, mở rộng bến phà để 3 phà lớn có thể đón trả khách một lúc. Tuy nhiên, với lượng người và phương tiện tăng đột biến, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra.
“Lượng người dồn về quá đông. Bến phà giống như một nút giao thông khác mức nên phương tiện không di chuyển liên tục được”, một cán bộ bến phà Gót cho biết.
Đáng nói là ngoài đi theo hướng phà Gót để tới Cát Bà, du khách cũng có thể đi tàu cao tốc từ bến Bính (phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) nhưng do giá vé rất cao (250.000 đồng/người/lượt), tàu ít chuyến. Khách có ô tô không thích phương án này vì phải gửi lại bến Bính, không được tự lái xe tại Cát Bà. Hướng đi Cát Bà bằng phà từ đảo Tuần Châu (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) cũng chỉ phù hợp với các du khác muốn nối tour Hạ Long - Cát Bà. Nếu từ Hà Nội, Hải Dương hay Bắc Ninh mà muốn tới Cát Bà qua lối này cũng mất thời gian, do quốc lộ 18 không phải là đường cao tốc, giá vé qua phà Tuần Châu cũng không rẻ (người đi bộ 80.000 đồng, xe máy 100.000 đồng, ô tô từ 480.000 trở lên)…
Để khắc phục tình trạng ùn tắc kể trên, UBND thành phố Hải Phòng đã có quyết định thí điểm từ ngày 20.6 sẽ hạn chế xe 29 chỗ trở lên qua phà Gót vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Để đưa đón khách du lịch từ bến phà về khu du lịch Cát Bà và ngược lại, thành phố Hải Phòng sẽ điều 20 xe bus miễn phí. Du khách sẽ được hỗ trợ việc vận chuyển hành lý qua phà và lên xuống xe. Các xe không được qua phà cũng được trông coi miễn phí…
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Trung Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cũng cho biết từ 13.6, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng đã cấm xe tải (từ 8 - 19 giờ các ngày thứ 2 đến thứ 5; 9 - 21 giờ thứ 6 và 5 - 21 giờ thứ 7, chủ nhật) trên đoạn đường trước phà Gót và giảm tải phần nào cho bến phà này.
“Tuy nhiên, về lâu dài, UBND huyện Cát Hải mong muốn có một giải pháp bền vững để giải phóng tình trạng ùn tắc ở phà Gót, có như vậy mới phát triển được du lịch ở Cát Bà”, ông Cường nói.
Bình luận (0)