Những dấu ấn phủ sáng đảo xa
Kể từ khi dự án cấp điện lưới quốc gia trên không vượt biển đầu tiên bằng đường dây 35kV cấp điện cho đảo Cát Hải (TP.Hải Phòng) hoàn thành đóng điện vào ngày 1.5.1991, đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia “Điện khí hóa nông thôn”, đưa điện đến mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; góp phần phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nổi bật trong số này không thể không nhắc đến hành trình vượt biển Hà Tiên đưa điện ra đảo Phú Quốc gặp không ít gian nan với Tổng công ty Điện lực miền Nam, khi đây là tuyến cáp ngầm 110 KV xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 57,33 km. Bằng sự nỗ lực của những người lính thợ điện, dự án hoàn thành đã giúp người dân Phú Quốc không phải mua điện chạy dầu giá cao, mà còn tạo cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo.
Hay với dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm 22kV ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Để kéo dây ra đảo, các đơn vị thi công đã dùng khinh khí cầu kéo dây cáp mồi, rải căng đường dây tải điện 110kV. Đây là một bước tiến quan trọng về công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, mang lại hiệu quả cao trong xây lắp đường dây cao thế ở những vị trí có địa hình phức tạp, nhất là với khí hậu trên biển không ổn định, gió mạnh, thi công vướng tàu bè qua lại và qua khu rừng bảo tồn nên phải tính toán thật chi tiết, huy động thêm thiết bị, tàu thuyền để cảnh giới thi công.
Còn với dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lại Sơn (tỉnh Kiên Giang), có đến 40% thời gian thi công dự án, EVN phải chống chọi, thực hiện thi công trong điều kiện sức gió từ cấp 5 trở lên. Thậm chí, có những thời điểm biển động, khiến tiến độ dự án tưởng như không cách nào có thể “đúng hẹn”.
|
Giữ nguồn sáng cho đảo Trường Sa
Đặc biệt, từ ngày 1.8.2017, EVN chính thức tiếp nhận, quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành để toàn bộ hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hoạt động liên tục, ổn định. Trong quá trình vận hành hệ thống điện nơi “đầu sóng ngọn gió”, hệ thống điện thường xuyên phải hứng chịu giông, bão khắc nghiệt. Chưa kể, do ảnh hưởng của khí hậu biển, các thiết bị điện trên đảo dễ bị hư hỏng do hàm lượng muối trong không khí khá cao, gây nhiều nguy cơ cho việc vận hành tin cậy hệ thống điện.
Để triển khai các dự án “thắp sáng” biển đảo, EVN đã phải chủ động huy động nguồn vốn rất lớn. Riêng giai đoạn 2013-2018, EVN đã đầu tư hơn 7.500 tỉ đồng để cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo. Nhờ đó, quy mô hệ thống điện cấp cho các huyện đảo tăng nhanh chóng. Hệ thống lưới điện trung, hạ áp tăng 350 - 400%, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của người dân trên đảo liên tục 24/24h và người dân trên đảo được hưởng giá bán điện của Chính phủ như trong đất liền. Thế nhưng, trên thực tế, các dự án cấp điện ra đảo với suất đầu tư cao đã khiến EVN gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục các nhà tài trợ vốn.
Mặt khác, khi thực hiện tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại các huyện đảo, xã đảo, EVN đều thực hiện bù lỗ khi giá thành sản xuất điện khoảng trên 5.000 đ/kWh, cá biệt có nơi lên tới 72.552 đồng/kWh (tại huyện đảo Trường Sa).
Đặc biệt căn cứ Quyết định 28 năm của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, từ ngày 1.6.2014 giá bán điện trên đảo bằng giá bán điện trên đất liền, nên hằng năm EVN phải bù lỗ cấp điện cho huyện đảo khoảng 200 tỉ đồng. Việc bù lỗ cấp điện cho các huyện đảo chỉ có Tập đoàn kinh tế Nhà nước mới có thể thực hiện được.
Bình luận (0)