Sau nhiều năm thực hiện chương trình khung, hầu hết lãnh đạo các trường ĐH đều mong muốn có một ngày được tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhất là trong tình hình phát triển hiện nay, một số ngành có chương trình khung ban hành từ cách đây cả chục năm, sẽ không còn phù hợp nữa.
Trước nhiều điểm mang tính “cởi trói” này, nhiều trường hết sức vui mừng. Tiến sĩ (TS) Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: “Lẽ ra việc thay đổi này phải được làm từ nhiều năm trước, đó là giao cho các trường tự thiết kế chương trình đào tạo của mình. Tất nhiên là những khối lượng kiến thức quan trọng, cần thiết mà trước đây chương trình khung quy định thì các trường vẫn không thể bỏ được, cho dù được tự chủ. Cái chúng tôi mong muốn ở đây là được tự mình xây dựng các môn học thật gần gũi với thực tế, luôn cập nhật kiến thức mới mẻ, tiên tiến và bổ ích trong nước và trên thế giới”. TS Phước còn cho rằng, việc tự chủ sẽ giúp mỗi trường ĐH có thể khẳng định được bản sắc riêng của mình.
Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Để phù hợp với yêu cầu thực tế, chúng tôi sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo theo từng giai đoạn nhưng những khối lượng kiến thức nền tảng sẽ vẫn giữ. Điểm linh hoạt hơn ở đây là các trường sẽ có cơ hội thiết kế, bổ sung kiến thức trong khoảng 40-50% so với trước đây là 20-30%”.
Nếu được thiết kế chương trình đào tạo, lãnh đạo nhiều trường cho rằng sẽ đưa thêm nhiều kỹ năng mềm vào giảng dạy. Nhiều nhà sử dụng lao động cho rằng những kỹ năng cần thiết mà sinh viên hiện nay thiếu rất nhiều là giao tiếp, ứng xử, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, vượt qua khủng hoảng… TS Nguyễn Kim Quang - cán bộ Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết sẽ đưa vào giảng dạy các môn như làm việc nhóm, khoa học sáng tạo, kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng viết dự án, quản lý kinh tế…
Đối với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, TS Lê Hữu Phước cho biết sẽ tiếp tục thường xuyên kết hợp dạy kỹ năng vừa chính khóa vừa ngoại khóa như ứng xử trước tình huống khó khăn, thu thập phân tích thông tin, làm việc nhóm, giao tiếp, phản biện…
TS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt nhận định: “Việc rút bớt các môn học đại cương không cần thiết, tăng cường khối lượng kiến thức thực tế và tạo điều kiện cho sinh phát triển kỹ năng, không những giúp sinh viên có thể ra trường sớm hơn mà còn có thể hòa nhập, phát triển công việc nhanh hơn ngay sau tốt nghiệp”.
Mỹ Quyên
Bình luận (0)