Giang hồ khu công nghiệp - Kỳ 2: Khóc vì nạn bảo kê

11/10/2011 00:41 GMT+7

Tại các khu công nghiệp (KCN), công nhân muốn được yên thân đi làm cũng phải đóng tiền bảo kê cho các “đàn anh”. Các công ty, thậm chí công ty bảo vệ cũng bị các đối tượng gọi điện trực tiếp ra giá bảo kê. Giang hồ khu công nghiệp - Kỳ 1: Lô đề bủa quây

Nhiều băng nhóm giang hồ đã uy hiếp công nhân tại các khu công nghiệp - Ảnh: Đ.N.T

“Ra đường là tao chém!”

Đó là lời tuyên bố xanh rờn của Châu, một giang hồ đang quậy phá công nhân làm tại công ty M (100% vốn nước ngoài) đóng tại KCN Mỹ Phước III. Mấy tháng vừa qua, ban lãnh đạo, công nhân công ty M phải mất ăn mất ngủ với lời đe dọa đòi bảo kê của Châu. Nhiều công nhân do sợ lời đe dọa phải bỏ ngang việc, sản xuất của công ty bị đình trệ.

Châu (quê Cà Mau) trước kia là công nhân giỏi của công ty M, được hưởng những quyền lợi tốt nhất. Nhưng do bản chất côn đồ, nhiều lần Châu kích động công nhân bỏ việc, đòi quyền lợi bất hợp lý từ công ty. Thế là công ty cho Châu thôi việc. Bị đuổi, Châu kéo cả tổ hàn của mình cùng nghỉ, sau đó nhiều lần trở lại uy hiếp ban lãnh đạo công ty để đòi các chế độ thôi việc và cuối cùng được công ty đáp ứng đầy đủ. Không dừng lại ở đó, Châu còn cấm các công nhân tại đây đi làm, ai không nghe sẽ chém người đó. Do công ty M nằm trên đoạn đường vắng, không người qua lại nên khi nghe tuyên bố của Châu nhiều công nhân đành phải bỏ việc. Sau đó, Châu gọi điện gặp giám đốc ra giá đòi bảo kê. Giá mà Châu đưa ra cho công ty như sau: quản lý là 1,5 triệu đồng/tháng, tổ trưởng 500 và công nhân từ 50 - 100 ngàn đồng/người/tháng. Nếu công ty không đáp ứng, thì sẽ không được yên ổn để sản xuất. Để đạt được mục đích, Châu nhiều lần dẫn đàn em tới đoạn đường vắng nơi công ty M đóng để chặn “nhắc nhở” công nhân mỗi khi tan ca. Có lúc, giữa khuya Châu cùng đàn em tới trước cổng công ty để nhậu dằn mặt công nhân và ban lãnh đạo. Châu từng chỉ thẳng vào mặt giám đốc công ty M nói: “Tao biết số xe mày rồi, ra đường là tao chém”.

Không có tiền đừng nói chuyện đi làm

Vừa nhận lương tháng đầu tiên, Tuấn (công nhân Công ty gỗ Grand) cầm tiền bước ra cổng công ty, ngay lập tức có 4 tên đi trên hai xe máy áp sát chỉ vào mặt hỏi: “Mày có phải Triều không?”. Chưa kịp trả lời, Tuấn đã bị đánh tới tấp. Tuấn kêu lên: “Các anh đánh nhầm người rồi” nhưng 4 thanh niên kia không chịu dừng tay. Đánh xong, một thanh niên mặt mũi bặm trợn cất tiếng: “Bọn tao là băng Cà Mau, mày mới nhận lương thì khôn hồn đưa đây ít để hút thuốc, nếu không thì cho xin một ngón tay”. Vừa đau vừa sợ, Tuấn rút đưa cho bọn chúng 200 ngàn đồng. Trước khi lên xe tẩu thoát, bọn chúng không quên ghé vào tai Tuấn: “Muốn làm ở đây thì tới tháng chi tiền cho bọn tao, thằng nào đụng tới mày thì để đó tao lo, còn không có tiền thì đừng nói chuyện làm ở đây”.

Đứng trước hoàn cảnh đó, ban lãnh đạo công ty đã làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Dương, huyện Bến Cát, Hội Bảo vệ người lao động để mong sớm ổn định và đi vào hoạt động. Công an H.Bến Cát xác nhận đã thụ lý vụ việc và đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp thông tin chi tiết cho báo chí.

H., quản lý công ty M, thú thật: “Đứng trước lời đe dọa của Châu, tôi cũng sợ nói chi công nhân. Mình lớn tuổi rồi, còn vợ con nữa ai mà dám dính vào mấy thứ đó làm gì”. Còn B., công nhân, thì sau khi nghỉ việc, vợ không có tiền mua gạo, con không có sữa uống nên phải nhờ đến sự bảo lãnh an toàn từ phía công ty mới dám đi làm trở lại. B. nói: “Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều công nhân của công ty sợ Châu nên đành bỏ việc ngang chứ có ai muốn nghỉ làm đâu”.

Quậy phá để được bảo kê

Hiện nay các băng nhóm giang hồ xem việc quậy phá các công ty bảo vệ, công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, làm cho họ mất hợp đồng làm ăn với đối tác là một “nghề” kiếm sống. Sau đó, bọn chúng dùng “luật rừng” để ép các công ty phải ký hợp đồng với công ty bảo vệ, cung cấp suất ăn công nghiệp mà chúng gợi ý. Các công ty sau khi ký được hợp đồng béo bở, phải chi hoa hồng lại cho bọn chúng và “thăm nom” hằng tháng để được yên thân làm ăn.

Một chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp tại KCN Mỹ Phước (xin được giấu tên) cho biết: “Tưởng đâu việc bếp núc không liên quan gì giang hồ, nhưng có nhiều thằng tự xưng tên này, tên nọ gọi điện tới đòi bảo kê, chạy hợp đồng làm ăn tại một số công ty lớn”. Mới đây, cơ sở bà vừa mất hợp đồng cung cấp cơm với một công ty có hơn 2.000 công nhân cũng vì có băng nhóm làm tại đó luôn kích động công nhân suốt ngày kêu la cơm sống, cá ươn, thịt thối. Cuối cùng đi đến bỏ cơm, đình công. Sau đó một thanh niên tự xưng tên Hùng gọi điện tới cơ sở của bà ra giá 5 triệu đồng/tháng “bảo đảm không ai dám chê cơm”. “Mình làm ăn hợp pháp, luôn tuân thủ đúng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nên chả sợ gì, nhưng tôi không ngờ tiếng nói của họ lại có uy lực đến thế”, bà bộc bạch.

Với đặc thù công việc, công ty bảo vệ tại các KCN hằng ngày phải đụng chạm tới lợi ích của một số đàn anh có số má là chuyện không thể tránh khỏi. Anh B., giám đốc công ty bảo vệ H tại KCN Mỹ Phước, cho biết: “Công ty vừa ký được một hợp đồng mới, đưa nhân viên tới làm nhiệm vụ, ngay lập tức đã xuất hiện 3, 4 thằng kéo đến chỉ thẳng mặt bảo vệ để hăm dọa. Có nhiều trường hợp vì bị bảo vệ phát hiện một số công nhân trộm đồ từ công ty ra ngoài bán, ngay đêm đó bảo vệ đã bị các băng nhóm kéo đến hoặc chặn đường để trả thù”. Anh B. dẫn chứng ngay, ngày 14.9.2011, một nhân viên bảo vệ của công ty đã bị nhóm giang hồ 6 tên dùng gạch, nón bảo hiểm tấn công phải đi cấp cứu tại bệnh viện ngay tại nơi làm việc. Trước đó, bảo vệ này vừa nhắc nhở và đuổi một công nhân có thái độ quậy phá ra khỏi công ty, ngay lập tức đã bị trả thù bằng một trận đòn nhừ tử. Sau khi đánh dằn mặt bảo vệ, các đối tượng bắt đầu móc nối với các đối tượng khác để trộm hàng trong công ty ra ngoài bán.  

Công Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.