Trong thời gian nghỉ sinh em bé, ca sĩ Khánh Linh nhắn tin cho tôi: "Anh ơi, vừa rồi em có nghe Chút nắng vàng bay của chị Son trên Bài hát Việt mà thấy "thèm". Trở lại sân khấu, em sẽ thu ngay ca khúc đó". Một số người cho rằng giọng Khánh Linh và nhạc Giáng Son hợp nhau, bởi giọng ca trong trẻo của Linh sẽ tải được nét trong sáng trong giai điệu Giáng Son, làm cho ca khúc dễ thương và lãng mạn hơn. Còn Khánh Linh thì tìm được ở Giáng Son chất nữ tính, sự tinh tế dễ dung hòa. Gặp Giáng Son, tôi "chất vấn" chị:
* Hai ca khúc Giấc mơ trưa và Chút nắng vàng bay, chị đều nhờ Nguyễn Vĩnh Tiến viết lời. Sao lúc đó chị lại "trao thân gửi phận" những giai điệu "thùy mị nết na" cho một người thường có những lời ca "quai quái"?
- Vấn đề không phải là "quái" hay không "quái". Lúc đầu tôi chỉ nghĩ, tôi cần những ca từ lạ trên nền nhạc của mình, và những ca khúc ấy, bạn bè tôi vẫn bảo là ca từ có sự mới lạ, nhưng cái mới lạ không tạo cảm giác xa xôi. Mỗi lần nghe lại, chính tôi cũng bất ngờ về phần ca từ của Nguyễn Vĩnh Tiến. Cả nhạc và lời khá ăn nhập, và dù lạ vậy nhưng vẫn bật lên được sự trong sáng, dịu dàng như tinh thần của ca khúc.
Để có một Giáng Son như hôm nay, dẫu mới chỉ là bước khởi đầu, chị đã trải qua 15 năm theo học khoa Lý-Sáng-Chỉ chính quy tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. 15 năm đủ ngấm những quy luật nhạc châu u cổ điển, cô sinh viên Giáng Son ngày ấy cứ nơm nớp một điều: sau này ra đời mình sẽ "bơi" như thế nào? Viết thế nào cho gần gũi với đời sống mà không dễ dãi? Như để gỡ từng chút một của câu hỏi đó, chị cứ lặng lẽ đi thực tế, lắng nghe những âm thanh của cuộc sống. Với tác phẩm tốt nghiệp là một bản giao hưởng mang tên khu tập thể chị đã sống, đã lớn lên ở đó - Đồng Xa, Giáng Son gây bất ngờ với ban giám khảo với những gì thân yêu, gần gũi được thể hiện qua những khúc thức sang trọng, thống nhất trong một thế giới sáng tạo đầy nữ tính. Nhưng bản thân chị vẫn thấy mình còn thiếu, thiếu một phần rất lớn:
- Đó chính là tính dân tộc. Và tôi nghĩ thiếu thì học. May mắn là bố tôi cũng là một người chuyên nghiên cứu vốn âm nhạc dân tộc, bố hiểu được con gái nên hướng tôi vào giảng dạy lý thuyết âm nhạc cơ bản ở khoa Kịch hát dân tộc ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Khoảng thời gian ở đây, hồn chèo, tuồng, thậm chí cả cải lương cứ dần ngấm vào mình. Tôi dần mê chất lãng mạn dân gian. Ngày xưa sao mà các cụ tình tứ thế, tinh tế thế? Một chút tình chưng cất từ bao đời, hát lên là có hồn. Tôi về tìm lại trong giá sách của bố mới hay, một đời bố tôi sống thanh bạch, tài sản để lại cho con là những công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc và những nốt nhạc, tôi mới tự hỏi mình: tại sao có mỏ vàng quá quý như vậy mà không tận dụng?
Giáng Son tham gia nhóm nhạc 5 Dòng Kẻ với vai trò vừa là ca sĩ vừa là nhạc sĩ. Khoảng thời gian đó, theo sự cảm nhận phía người nghe, thì ca sĩ Giáng Son không nổi trội để thành một giọng hát so-lo, còn nhạc sĩ Giáng Son chưa nổi bật để thành một gương mặt sáng tác độc lập. Đam mê nghề, chị vẫn lặng lẽ sáng tác. Ngoài khoảng thời gian tập tành nhộn nhịp với các bạn trong nhóm, thời gian còn lại Giáng Son thu mình lại với thế giới của riêng mình để viết. Những ca khúc của Giáng Son thường được nhóm 5 Dòng Kẻ biểu diễn, cũng có một số ca khúc để lại dấu ấn với những giọng ca độc lập ở Hà Nội.
* Một điều lạ là khi nhóm 5 Dòng Kẻ ra album đầu tay, trong 8 ca khúc thì chị đã góp tới 5, mỗi ca khúc tên cũng chỉ có mỗi một từ: Sóng, Mưa, Em, Anh... Tại sao khi ấy lại chỉ là mỗi một?
- Vì tôi thấy như thế là đủ. Một để nói nhiều, có lẽ con gái nên thế, gắng kiệm lời và nói lời có trọng lượng (cười). Nhưng thực ra, cái mỗi một ấy rất đúng với tôi khi viết nhạc: luôn trong trạng thái cô đơn, lúc nào cũng thấy hẫng hụt một điều gì đó và cứ thấy buồn buồn. Tôi không phải là người quá lãng đãng gió mây đâu, mà chỉ một chút vừa đủ. Không hiểu sao bài nào của mình cũng cứ lắng lắng, chậm chậm, không phù hợp lắm với nhịp sống bây giờ. Nhưng, dù có buồn thế nào thì sự ấm áp, niềm hy vọng không bao giờ mất đi. Có thể tôi sẽ không sáng tác được những bài tưng bừng, vui vẻ nhưng không có nghĩa là không sáng tác được những bài có cá tính. Giờ đây, những ca khúc của tôi cũng không còn tình trạng có tên chỉ mỗi một từ. Tôi đang chờ đợi một sự bứt phá.
* Điều này có dễ dàng không với một trạng thái sáng tác hướng nội như thế, lại kiên quyết rời Sài thành sôi động, rời nhóm nhạc đang dần cứng cáp để "về lại phố xưa" yên bình?
- Tôi nghĩ, về Hà Nội không có nghĩa là không bứt phá được. Tôi rất yêu Hà Nội, yêu nhịp sống của những giai điệu trữ tình. Có lẽ, những gì quá sôi động không hợp với tôi. Rời 5 Dòng Kẻ, tôi rất nhớ nhưng không tiếc nuối, tôi mừng cho các bạn đã thành công trong quá trình chinh phục khán thính giả phương Nam. Tôi thấy, quyết định về với cái dịu dàng, bình yên của Hà Nội với tôi là đúng, về để nuôi nhạc của mình, để giải tỏa tâm sự với nó. Dù rằng, có đôi lúc tôi hơi buồn chán và có những khoảng thời gian tẻ nhạt.
Rời nhóm 5 Dòng Kẻ, cuộc sống của Giáng Son vẫn vậy. Có thể ít bận rộn trong ca hát nhưng lại bận rộn hơn trong sáng tác và giảng dạy. Chị bảo rằng chị "sống được", dẫu không dư dả nhưng cũng "vừa vặn" theo nghĩa vật chất, từ nhạc của mình. Sống bình thản và sáng tác cũng bình thản. Bình thản trong cả niềm vui, nỗi buồn, trong cuộc sống thường nhật, trong quan hệ bạn bè. Giáng Son không thích sự xáo trộn bởi xáo trộn đôi khi có thể biến dạng tâm hồn chị.
* Vậy thì, những "giấc mơ trưa" về sự bứt phá, bao giờ chị có được?
- Tôi đang tìm kiếm. Một ngày của tôi, góp một chút yêu, một chút hy vọng để gửi vào ca khúc. Quan điểm sáng tác của tôi giản dị lắm, nó là sự khát khao không ngừng, như là tình yêu. Không ai chịu đựng được một cuộc tình buồn tẻ phải không? Bây giờ, tôi càng thấy ngấm thơ Xuân Quỳnh, muốn bứt ra khỏi sự tẻ nhạt, nhưng vẫn giữ được sự dịu dàng con gái. Có lẽ, thời gian tới tôi sẽ phổ một vài bài của chị ấy.
Giáng Son cho biết thêm, hiện chị đang thực hiện một album với những ca khúc của riêng mình, nhưng "cứ từ từ mà làm, đã lấy chồng đâu mà vội!". Chị thích chậm mà chắc và không bao giờ ảo tưởng mình sẽ là hiện tượng vì chị biết chất nhạc của mình. Còn album chị đang thực hiện, giờ vẫn chưa nghĩ ra cái tên cho nó. "Mình sẽ chờ sự bứt phá của chính mình và sẽ lấy tên bài đó làm tựa đề cho album. Sao lại không nhỉ, phải biết hy vọng và nhất là phải biết tin ở mình chứ?".
"Tôi vừa vào Sài Gòn được 2 tuần. Nghỉ hè nên tranh thủ vào chơi, sẵn dịp chuẩn bị cho CD sắp ra mắt. Rất nhiều người khuyên tôi nên vào Sài Gòn vì đây là nơi có nhiều cơ hội để phát huy nghề nghiệp. Tôi biết thế. Hà Nội thân quen vì có gia đình, bè bạn. Còn Sài Gòn quả là mảnh đất để thỏa sức vẫy vùng. Tôi đang phải cân nhắc giữa chuyện đi hay ở. Điều lạ lùng là khi về Hà Nội, tôi bỗng nhớ quay quắt từng góc phố, con đường Sài Gòn, cả những món ăn đã trở nên quen thuộc với tôi. Dù Hà Nội tạo cho tôi "khoảng lặng" cần thiết để sáng tác nhưng Sài Gòn đúng là nơi để cảm xúc ấy trở nên hiện thực. Tôi rời nhóm 5 Dòng Kẻ cũng chỉ dành hết thời gian cho giảng dạy và sáng tác. Theo tôi, để tạo ra một tác phẩm chất lượng, người nghệ sĩ buộc phải có thời gian tĩnh lặng và nắm bắt cảm xúc đúng thời điểm". (Đ.T ghi) |
Hoàng Nguyên Vũ
(thực hiện)
Bình luận (0)