Giảng viên là phó giáo sư chưa được chuyển ngạch theo quy định

30/11/2015 16:41 GMT+7

Rất nhiều giảng viên các trường ĐH, CĐ có học hàm phó giáo sư lên tiếng về việc chưa được chuyển sang ngạch chuyên viên cao cấp theo quy định của Chính phủ.

Rất nhiều giảng viên các trường ĐH, CĐ có học hàm phó giáo sư lên tiếng về việc chưa được chuyển sang ngạch chuyên viên cao cấp theo quy định của Chính phủ.

Hai phó giáo sư tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015 ngày 12.11 vừa qua - Ảnh: NVCCHai phó giáo sư tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2015 ngày 12.11 vừa qua - Ảnh: NVCC
Theo nghị định số 141 của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 24.10.2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục ĐH, thì chức danh phó giáo sư (PGS) được xếp hạng I, mã số V.07.01.01.
Chức danh này được hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên viên cao cấp và khi làm việc tại các trường ĐH, CĐ, PGS sẽ được tính là giảng viên cao cấp (hạng I). Trước khi nghị định này có hiệu lực (10.12.2013), các giảng viên có học hàm PGS vẫn là giảng viên chính (hạng II).
Thế nhưng đến nay, tại các trường ĐH, CĐ, việc chuyển ngạch từ giảng viên chính sang giảng viên cao cấp đối với những giảng viên có học hàm PGS vẫn chưa được thực hiện.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Đúng là thời gian qua PGS vẫn được xem là giảng viên chính như những giảng viên tiến sĩ, thạc sĩ khác. Trường cũng đang chờ văn bản hướng dẫn mà chưa thấy gì. Hiện nay chỉ cần có bằng thạc sĩ là đã đủ chuẩn làm giảng viên chính rồi.
Trong khi để đạt được chức danh PGS, trước tiên phải có bằng tiến sĩ, sau đó còn có một quá trình nỗ lực nghiên cứu, cống hiến trong chuyên môn của mình. Khi giảng dạy cũng phải làm nhiều chức năng nhiệm vụ mà giảng viên chính khác không phải làm. Do đó, việc chuyển ngạch này cũng cần phải được thực hiện theo đúng quy định và để đảm bảo quyền lợi cho các PGS”.
PGS-TS Lê Hoàng Nghiêm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết trường hiện có 6 PGS thì đến nay cũng chưa được chuyển ngạch vì chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể. “Việc chuyển ngạch này giúp hệ số lương tăng lên, đảm bảo quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên điều quan trọng là thực hiện đúng quy định của nhà nước, đúng với những đóng góp của những người có chức danh này”.
Trong khi đó, theo chia sẻ của PGS Đỗ Phú Trần Tình, Phó phòng sau ĐH và quản lý khoa học, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, thì: “Luật đã ra quy định đó nhằm trọng dụng người tài, khuyến khích giảng viên trẻ có những nỗ lực đóng góp, cống hiến cho giáo dục đào tạo, nhưng việc thực thi lại hạn chế. Có lẽ cần phải có thông tư liên tịch giữa các bộ GD-ĐT, Nội vụ và Tài chính hướng dẫn để việc này nhanh chóng được thực hiện, vì nghị định đã có hiệu lực được gần 2 năm rồi”.
Đựợc biết, tính đến tháng 11.2015, tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.619, trong đó 1.680 GS và 9.939 PGS. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.