Giảng viên ngừng việc tập thể vì nợ lương: 'Nếu xảy ra thì vô cùng đau xót'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
15/12/2023 19:10 GMT+7

Lãnh đạo Trường CĐ Y tế Quảng Nam cho biết nếu trường hợp 17 cán bộ, giảng viên ngừng việc tập thể vì bị nợ lương mà xảy ra thì 'vô cùng đau xót' và các bên đang phối hợp giải quyết...

Tiếp tục làm việc đến ngày 31.12

Chiều 15.12, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Quảng Nam, cho biết tại cuộc gặp gỡ, trao đổi vào sáng 15.12 với các cán bộ, giảng viên gửi đơn xin ngừng việc tập thể, hai bên đã tạm thống nhất sẽ kéo dài thời gian làm việc.

"Những bức xúc của anh chị em về vấn đề nợ lương là chính đáng. Nhà trường cũng làm việc trên tinh thần chia sẻ những khó khăn với cán bộ, giảng viên. Sau khi được động viên, giải thích về tình hình khó khăn, các cán bộ, giảng viên đã thống nhất tiếp tục làm việc cho đến hết ngày 31.12 để cùng nhau tìm hướng giải quyết", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, nhiều nơi khác nếu chỉ nợ lương từ 1-2 tháng "là đã kêu trời" rồi", riêng Trường CĐ Y tế Quảng Nam nợ lương tới 6 tháng phần nào cũng cho thấy có một sự "đồng lòng" chia sẻ từ cán bộ, nhân viên, người lao động.

Vụ nhiều giảng viên ngừng việc tập thể: 'Nếu xảy ra thì vô cùng đau xót' - Ảnh 1.

Trường CĐ Y tế Quảng Nam

MẠNH CƯỜNG

"Đến giờ phút này, có thể nói là sức chịu đựng hết rồi mới tính đến chuyện ngừng việc tập thể thế này. Nhiều anh em có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng cũng không biết cách nào để tháo gỡ", ông Tuấn buồn bã nói.

Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Quảng Nam cũng thông tin thêm, sau khi nhà trường kiến nghị, tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành khẩn trương xem xét, tìm nguồn hỗ trợ cho nhà trường để trả lương cho cán bộ, nhân viên trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đề xuất với Tỉnh ủy, khả năng trong tuần tới, vấn đề nợ lương của cán bộ, giảng viên nhà trường cơ bản sẽ được giải quyết.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân khiến nhà trường nợ lương kéo dài là vì từ năm 2017 công tác tuyển sinh gặp khó khăn, không đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Năm nay, trường cơ bản đạt chỉ tiêu khi tỉnh giao (chỉ tiêu 200 sinh viên, tuyển sinh được 195 em).

Đáng chú ý, năm nay, nhà trường được UBND tỉnh cấp cho 8,6 tỉ đồng nhưng đã bị giảm trừ mất 3,8 tỉ đồng vì nợ ngân sách các năm trước (do không đạt chỉ tiêu), vì vậy số tiền còn lại không đủ chi phí để trả lương.

Thêm một nguyên nhân khác là hiện nay toàn nhà trường có khoảng 500 sinh viên theo học, nhưng có đến 5/6 ngành được đưa vào diện độc hại nguy hiểm nên chỉ thu học phí 70%; chưa kể học sinh Lào theo học tại trường cũng đều miễn học phí.

"Thật sự số tiền thu học phí từ sinh viên chỉ đủ lo tiền điện, nước và một số hoạt động khác. Ngoài ra, do gặp khó khăn nên hoạt động khám chữa bệnh của trường cũng dừng từ lâu, không có nguồn thu", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, việc nợ lương cũng đã được nhà trường "dự báo" ngay từ đầu năm vì nguồn ngân sách thấp. Để tạo điều kiện trả lương cho cán bộ, người lao động, từ đầu năm đến nay nhà trường cố gắng tinh giản bộ máy, biên chế.

"Bằng mọi cách không để xảy ra ngừng việc"

Liệu việc ngừng dạy của tập thể giảng viên có ảnh hưởng gì đến kế hoạch học tập của sinh viên? Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên, ông Tuấn ví von: "Một nhà máy nếu công nhân nghỉ việc thì ảnh hưởng chỉ một dây chuyền, còn đối với một trường học thì sẽ hoàn toàn khác".

"Một hai thầy cô nếu nghỉ thì đơn giản, để cả một tập thể nghỉ cùng lúc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh, sinh viên. Trong môi trường giáo dục, nếu điều này (ngừng việc tập thể - PV) xảy ra thì vô cùng đau xót. Vì vậy, bằng mọi cách không thể để việc này xảy ra. Trường hợp nếu xảy ra thật thì đây cũng là một điều hy hữu", ông Tuấn nói.

Vụ nhiều giảng viên ngừng việc tập thể: 'Nếu xảy ra thì vô cùng đau xót' - Ảnh 2.

Một góc Trường CĐ Y tế Quảng Nam

MẠNH CƯỜNG

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng đã  làm việc với Trường CĐ Y tế Quảng Nam và các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo một số khó khăn, vướng mắc. Tại buổi làm việc, ông Tuấn đề nghị Trường CĐ Y tế Quảng Nam kịp thời tháo gỡ một số vấn đề khó khăn thiết yếu trong quá trình hoạt động.

Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Trường CĐ Y tế Quảng Nam nghiên cứu về tình hình hoạt động và điều kiện thực tế của nhà trường hiện nay, xem xét một cách khách quan khả năng thực hiện việc khấu trừ dự toán thu nộp, trả ngân sách nhà nước hằng năm của nhà trường. Từ đó, có cơ sở tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cho ý kiến về phương án tạm hoãn khấu trừ dự toán hằng năm của nhà trường trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.

Ngoài ra, báo cáo cụ thể tình hình nợ ngân sách của trường qua từng năm đối với từng nội dung; những quy định của pháp luật, chủ trương, ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền trong việc thu hồi, giãn thời gian thu hồi, khấu trừ các khoản nợ phải nộp trả ngân sách nhà nước thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý, tạm hoãn khấu trừ dự toán hàng năm của nhà trường trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.

Ông Tuấn cũng yêu cầu căn cứ tình hình thực tế, các khó khăn, vướng mắc, những tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện, chế độ của người lao động (do việc thu hồi, khấu trừ những khoản nợ của nhà trường hiện nay) để đưa ra phương án xử lý phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho nhà trường giải quyết các nội dung thiết yếu; đặc biệt là việc chi trả lương cho cán bộ, viên chức, người lao động.

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, ngày 14.12, có 17 cán bộ, giảng viên Trường CĐ Y tế Quảng Nam gửi thông báo quyết định ngừng việc tập thể tới lãnh đạo nhà trường.

Trong thông báo, 17 cán bộ, giảng viên của khoa Điều dưỡng và khoa Y tế cơ sở cho biết sẽ ngừng việc từ ngày 18.12 cho tới khi nhà trường giải quyết chế độ lương và phụ cấp.

Theo các giảng viên, nhà trường đã không thanh toán tiền lương và phụ cấp cho họ trong thời gian 6 tháng, tính từ tháng 7.2023 đến nay. Các cán bộ, giảng viên vẫn cố gắng lên lớp vì không muốn ảnh hưởng tới việc học tập của sinh viên. Tuy nhiên, do thời gian nợ lương kéo dài, đời sống của nhiều cán bộ giảng viên đã rơi vào cảnh rất khó khăn nên không thể tiếp tục công việc.

Vấn đề nợ lương người lao động của Trường CĐ Y tế Quảng Nam đã kéo dài thời gian qua. Tính đến nay, nhà trường nợ 6 tháng lương của 114 người lao động, với tổng số tiền hơn 5,7 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn bị chậm đóng bảo hiểm nhiều tháng nay.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 15.12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.