“Mua xe máy SH bằng Pi”
Trên một diễn đàn về Pi tại VN, tài khoản tên M.Kim viết: “Sau 2 năm cày cuốc dành trọn hết tâm huyết cho dự án, bỏ mặc lời nói của những người không hiểu biết giá trị của Pi. Cuối cùng cũng được hưởng trái ngọt, có giá trị cao đầu tiên mình bỏ 324 Pi trao đổi lấy xe máy Future trị giá 37 triệu, vài ngày nữa có xe mình sẽ tiếp tục đăng lên cho mọi người thấy…”. Kèm theo đó là hình ảnh chiếc xe máy Future và ảnh chụp màn hình giao dịch chuyển Pi. Nếu tính ra thì 1 Pi tương đương hơn 114.000 đồng. Hay có tài khoản khoe mua xe Honda SH với giá 150 Pi hoặc một tài khoản khác thông báo: “iPad2 tôi vừa đưa lên Group sáng nay, đã giao dịch P2P, 15 Pi, thành công. Em trai nhiệt tình tặng mình 1 Pi”.
Đồng Pi tự nhiên được sinh ra qua một ứng dụng trên điện thoại di động, không có gì cạnh tranh hay giới hạn nên quá vô lý. Kiểu không làm gì mà vẫn có ăn.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Ngược lại, có lúc nhiều thành viên muốn trao đổi hàng hóa bằng Pi thì lại rơi vào im lặng, không có ai trả lời. Chẳng hạn, một tài khoản tên N.P.Văn rao: “Tôi cần mua 2 laptop cấu hình mạnh với giá 2 Pi, anh em nào có bán máy tính vui lòng inbox, trao đổi tại Sài Gòn, hoặc ai có thông tin về người bán cho tôi biết” thì chỉ thấy hàng loạt trao đổi bên dưới là “cũng cần tìm người trao đổi, nếu có ai báo mình nhé”…
Nhiều hội nhóm xôn xao vì những câu chuyện trao đổi hàng hóa bằng Pi thành công |
Chụp màn hình |
Việc trao đổi hàng hóa bằng Pi dựa trên “giá đồng thuận”, tức hai bên tự thỏa thuận với nhau nên không xác định được chính xác 1 Pi tương đương bao nhiêu tiền. Có nhiều người rao chấp thuận đổi Pi với hàng hóa với giá mong muốn hơn 50 USD hoặc 100 USD nhưng cũng có người rao đồng thuận lên mức 1 Pi là 314 USD. Thậm chí, có người tự xưng là chủ vườn lan đột biến tại VN khẳng định Pi có giá 10.000 USD và rao bán một cây “lan đột biến” với giá 20.000 USD hoặc người mua có thể thanh toán bằng 2,1 Pi… Tuy nhiên, sáng qua, trong diễn đàn Pi Network King với hơn 20.000 thành viên thì có tài khoản lên tiếng cảnh báo tình trạng có kẻ lừa đảo đổi xe SH lấy Pi nhưng sau khi người này nhận cọc 47 Pi thì xóa Facebook, hủy kết bạn Zalo. Theo cảnh báo này, đã có khoảng 20 - 30 người bị lừa. Ngay sau đó, có nhiều thành viên cho biết đã bị lừa cọc và không còn liên lạc được với người đổi hàng. Đồng thời, nhiều người từng tham gia đào Pi và quan tâm đến các đồng tiền số cho rằng đây chỉ là chiêu trò dụ thêm người tải Pi bằng mã giới thiệu.
Nhiều người kỳ vọng đồng Pi sẽ có giá trị |
M.P |
Bên cạnh đó, thông tin được tung ra nhằm “vực dậy niềm tin” của cộng đồng Pi Network sau hơn 3 năm tham gia và miệt mài “đi đào” nhưng đồng tiền này vẫn vô giá trị. Rõ ràng, đây là một trong những nỗ lực vô vọng để đẩy giá đồng Pi của người chơi. Song song đó, không thiếu những kẻ lợi dụng thông tin trao đổi hàng hóa để lừa lấy Pi của người khác hoặc chiếm đoạt tài khoản người dùng…
Vi phạm pháp luật
Đến nay, nhiều người tham gia đào Pi hay các đồng tiền số khác nhằm “đổi đời” đều vỡ mộng. Đó là chưa kể với việc bỏ ra tiền thật để mua tiền số nhưng sau đó giá trị về gần như 0, như trường hợp đồng LUNA, khiến nhiều người trắng tay. Thậm chí ngay cả Bitcoin, đồng tiền dẫn đầu trên thị trường tiền số, từng được quảng cáo là một số địa điểm ở VN có nhận thanh toán nhưng sau đó cũng biến mất. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần thông báo các loại tiền ảo, tiền số không phải phương tiện thanh toán và pháp luật VN không cho phép thực hiện. Vì vậy, bất kể cá nhân hay tổ chức nào sử dụng tiền số để giao dịch là vi phạm pháp luật.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia về thị trường tài chính, khẳng định thông tin giao dịch hàng hóa bằng Pi là kiểu quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo. Người bán tự tạo ra tỷ giá ảo để quy đổi đồng Pi sang tiền Việt. Bởi tỷ giá quy đổi chênh lệch từ tô phở cho đến chiếc xe hơi và chỉ có một vài cá nhân tự nhận có giao dịch được chứ không có doanh nghiệp nào chấp nhận. Theo ông, điều buồn cười là đồng tiền được tạo ra từ nước ngoài nhưng người VN lại rất nhiệt tình quảng bá, trong khi ở nước ngoài không sàn giao dịch nào chấp nhận. “Một khi không mua hàng hóa được nữa thì chỉ có ôm hận chứ không có cách nào thu lại tiền. Chưa kể, trên lãnh thổ VN chỉ được dùng VND để niêm yết và thanh toán, ngoài những gì được luật pháp cho phép thì khả năng là lừa đảo”, ông Khánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định thông tin trao đổi hàng hóa bằng đồng Pi đều không xác minh được nên có thể là chiêu trò đẩy giá để thu hút thêm nhiều người tham gia, tương tự thông tin giao dịch tiền tỉ về lan đột biến trước đây. Hơn nữa, đồng Pi hoàn toàn không có giá trị và hoàn toàn khác với Bitcoin. “Đồng Pi tự nhiên được sinh ra qua một ứng dụng trên điện thoại di động, không có gì cạnh tranh hay giới hạn nên quá vô lý. Kiểu không làm gì mà vẫn có ăn. Nhiều người tham gia do đang có tâm lý Fomo - sợ bị mất cơ hội nếu Pi lại có giá trị, cộng thêm suy nghĩ không cần bỏ tiền ra cũng đào được Pi nên càng tin tưởng. Tuy nhiên, cái người ta mất là thời gian, thông tin cá nhân và có thể lại rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo sau đó”, TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ thêm.
Pi là dự án về tiền điện tử ra đời từ năm 2019 với người sáng lập là TS Nicolas Kokkalis, được cho là đến từ Đại học Stanford (Mỹ). Dự án được quảng cáo có thể “đào” miễn phí trên điện thoại bằng ứng dụng Pi Network. Sau khi cài ứng dụng, tài khoản Pi của người dùng sẽ tự động tăng với điều kiện phải mở ứng dụng để “điểm danh” sau mỗi 24 giờ. Càng mời được nhiều người tham gia, tốc độ “đào” sẽ càng nhanh. Pi đã từng gây sốt tại VN và thu hút nhiều người tham gia do suy nghĩ không mất tiền mà chỉ cần hằng ngày mở ứng dụng. Thế nhưng, để xác minh danh tính, người dùng phải cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân nên nhiều người không chấp nhận thì lại bị mất phần lớn số đồng Pi trước đó…
Bình luận (0)