Trong bất cứ lý lẽ gì thì những chuyện thầy cô hành xử như trên đều là không đúng. Có không ít lời bàn luận quanh những chuyện này, rằng "thương cho roi cho vọt", rồi so với ngày xưa nào đó thầy cô mắng chửi học trò về nhà kể với ba mẹ còn bị ăn đòn, sau này lớn lên vẫn đem lòng biết ơn thầy cô.
Tôi từng là cậu học trò nhỏ ngồi dưới lớp nhận một viên phấn ném tới từ phía thầy kèm theo lời cảnh báo yêu cầu không nói chuyện riêng trong lớp. Tôi từng là đứa học trò lớp sáu nhận từ thầy giáo vật lý một cái bạt tai giữa lớp vì đã vô tình gây mất trật tự trong lớp. Đúng là tôi chẳng hề oán trách gì thầy cô về những chuyện như thế cả, vì tôi luôn nghĩ mình đáng bị như thế. Nhưng lạ thay, quên những chuyện ấy thì tôi không thể.
Đúng là đã có những ngày xưa như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là cái lý lẽ giáo dục kiểu ngày xưa ấy mặc nhiên là đúng. Mà nếu có đúng đi nữa thì cũng chẳng có nghĩa là lý lẽ giáo dục ấy cứ thế mà đúng cho đến tận bây giờ. Giáo dục dựa trên sự trừng phạt có thể đã từng có chỗ đứng trong nền giáo dục, nhưng chắc chắn không nên là sự lựa chọn của xã hội hiện đại. Xã hội mà các giá trị con người được trân trọng từng chút một, từng tổn thương của con người dù nhỏ cũng được nhận biết để chữa lành. Thế thì chẳng có lý lẽ gì để bào chữa cho những kiểu hành xử thô bạo của thầy cô với học trò.
Đó là chưa kể đến những vấn đề liên quan đến khoảng cách thế hệ. Những học trò thế hệ Z và thế hệ tiếp theo sau đó nữa chắc chắn không phải là thế hệ sẵn sàng chấp nhận quan điểm giáo dục dựa trên sự trừng phạt. Đừng đánh đồng sự nghiêm khắc với sự trừng phạt. Giáo dục luôn cần sự nghiêm khắc, nhưng nghiêm khắc không nên là đường dẫn đến nền giáo dục hà khắc và thô bạo. Trong vai trò một người thầy đã có hơn ba chục năm đi dạy, tôi có một đúc kết riêng về thế hệ học trò bây giờ. Họ dễ tổn thương hơn rất nhiều, và vì vậy mà họ cần sự dẫn dắt, sự cảm thông, sự chia sẻ, chứ không phải là sự trừng phạt.
Và cũng vì thế mà thầy cô phải dày công hơn, phải kiên nhẫn hơn. Đừng nói là điều đó dễ làm. Phụ huynh và xã hội cũng nên hiểu rõ những gì mà thầy cô đang phải đối mặt như những thách thức với chính con người, với chính cá tính của thầy cô. Xin đừng mỗi khi có một sai lầm nào đó của thầy cô trong hành xử với học trò thì gia đình trút hết giận lên thầy cô, xã hội trút hết lời nguyền lên nhà trường. Cứ như chuyện cô giáo và học trò cùng nhận lỗi rồi ôm nhau thông cảm có phải là đáng mong đợi hơn không?
Bất cứ ai trong chúng ta, kể cả các thầy cô, cũng cần những cái ôm hòa giải đầy cảm thông và vị tha để tiếp tục ở bên nhau và có ích cho nhau trong hành trình giáo dục con người.
Bình luận (0)