Thời gian gần đây trẻ dậy thì sớm đã trở thành hiện tượng phổ biến khiến cha mẹ khá bất ngờ và lo lắng.
Nên học từ lớp 2
Cô giáo chủ nhiệm lớp 3 của một trường tiểu học tại Q.1 TP.HCM kể: “Hôm đó, đang trong giờ học, một bé gái tự nhiên khóc òa và hoảng hốt hét lên khi có hiện tượng “đến tháng”. Tôi liền gọi điện báo thì mẹ cháu cũng bất ngờ vì thấy con mình còn nhỏ”. Hay như chị H.L.An - phụ huynh học sinh (HS) tại Q.3 cho biết: “Cháu đang học lớp 5 nhưng có hiện tượng dậy thì từ năm lớp 4 và đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn ân hận. Có một lần khi xem quảng cáo trên ti vi, con gái hỏi tôi về tác dụng của “miếng có cánh”, tôi vô tình gạt đi vì nghĩ rằng vài năm nữa con mới cần dùng đến nên từ từ giải thích. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, cháu có dấu hiệu hằng tháng và tỏ ra vô cùng sợ sệt khi chưa có sự chuẩn bị về tâm lý”.
|
Hiện nay, HS tiểu học bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính từ lớp 5 qua các bài như cơ thể người, về trứng, tinh trùng, về bào thai... Tuy nhiên, việc đưa chương trình giới tính vào giảng dạy khi nào là phù hợp vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Chị N.T.Q ở hẻm 107B Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM tỏ thái độ: “Mới lớp 5 mà SGK đã đề cập đến những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, sự thụ tinh... là quá sớm”. Chị quả quyết rằng nếu để HS tiếp cận với những kiến thức đó sớm, vô tình sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Ngược lại, chị Trần Hoàng An (Q.5, TP.HCM) lại cho rằng: “Giờ trẻ phát triển khá sớm, lớp 5 mới học thì e cũng hơi muộn”. Và chị giải thích rằng: “Đầu năm học lớp 6, con gái tôi về kể 2 bạn trong lớp yêu nhau, giờ ra chơi, bạn nam thường xuyên xuống chỗ ngồi của bạn nữ ôm hôn nhau và có nhiều hành động vượt quá một tình bạn thông thường. Do đó, phải cho HS tiếp cận với những kiến thức về sức khỏe sinh sản sớm hơn để các em có khoảng thời gian tìm hiểu. Khi đã dậy thì rồi nếu các em không nắm vững kiến thức, không biết kiểm soát hành vi thì dễ dẫn đến hậu quả”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường phổ thông Trí Đức (Q.Tân Phú), cũng cho rằng: “Nên cho HS tìm hiểu những kiến thức về lĩnh vực sức khỏe sinh sản từ lớp 4 vì HS bây giờ tiếp xúc với internet khá nhanh nhạy nên nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ rất nguy hiểm”. Thầy Trần Xuân Kiển - giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), cũng đồng tình: “Nên dạy sớm hơn, chẳng hạn, ở lớp 2, HS bắt đầu tiếp cận những kiến thức về cơ thể người, giới tính, vệ sinh cá nhân… Dần dần, cho các em học về sức khỏe sinh sản, những biện pháp phòng vệ khi gặp tình huống xấu...”. Một bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cũng đề nghị: “Phải đẩy chương trình giáo dục giới tính trong trường lên dạy cho HS ngay từ lớp 2. Tại Đức, trẻ đã học môn giáo dục giới tính ngay từ những năm đầu tiên đi học”.
Học hỏi suốt đời
Dù đã được đưa vào chương trình chính khóa nhưng theo ông Nguyễn Đạt Sử - Hiệu phó Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3), vẫn băn khoăn: “Đây là một phần kiến thức của môn học nên giáo viên chủ nhiệm dạy theo kiểu truyền đạt kiến thức và học tập trung cả lớp nên chưa có sự tương tác, HS cũng không hứng thú, ngại ngùng”. Chính vì lý do này thầy Trần Xuân Kiển đề nghị: “Nên chăng, mỗi trường có nhiều phòng để đến tiết học về giới tính nam nữ học riêng. Bởi lứa tuổi này HS vốn rất tò mò, có nhiều điều cần giải đáp”.
Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Trần Diễm Linh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), nhấn mạnh: “Dạy giới tính cho trẻ cần chú ý đến phương thức và thái độ. HS bây giờ biết nhiều và đoán được nhiều hơn mình nghĩ. Giáo viên đứng lớp mà thẹn thùng thì sẽ luống cuống”.
Dưới góc độ tâm lý, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM cho hay: “Nếu bạn nghĩ rằng phải đợi trẻ đến một cái tuổi nào đó rồi mới được bắt đầu làm “giáo dục giới tính” và cho rằng nhà trường mới chính là nơi có trách nhiệm trong vụ việc này thì bạn đã lầm. Thật ra giáo dục giới tính phải được thực hiện càng sớm càng tốt và phải được bắt đầu ngay từ dưới mái gia đình. Bố mẹ, ông bà và ngay cả người giúp việc... là những người thầy đầu tiên của trẻ”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh thêm: “Giáo dục giới tính là học hỏi suốt đời, hằng ngày; trong gia đình là chủ yếu, sau đó mới đến trường học. Đừng quên rằng truyền hình, sách, báo, phim ảnh, games online… là những “nguồn lực” giáo dục giới tính rất mạnh mẽ, tạo nên cách nghĩ cách làm cho cả thế hệ, cả cộng đồng, nên phải hết sức có trách nhiệm”.
Bích Thanh
Bình luận (0)