Giáo dục THPT chuyển biến tích cực sau một năm đổi mới

24/07/2007 14:35 GMT+7

Sáng nay (24/7), tại Cần Thơ, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã sơ kết một năm thực hiện đổi mới giáo dục trung học phổ thông (THPT) cấp toàn quốc.

Trong năm qua, 100% học sinh lớp 10 được học ngoại ngữ, đa số là tiếng Anh. Bước đầu, ngành giáo dục đã trang bị hơn 5.700 máy vi tính cho các trường. Nhiều trường THPT đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin, khai thác mạng internet phục vụ tốt công tác dạy học, thông tin, quản lý. Bước đầu, phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh được đổi mới theo hướng tích cực. Thực hiện chủ trương chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, việc xếp loại học sinh giỏi, khá khối lớp 10 đã phản ánh khá chính xác chất lượng học tập của học sinh, có tác dụng thúc đẩy các em nỗ lực học tập. Công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa khá kịp thời, gắn với hướng nghiệp tốt hơn.

Các tỉnh: An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nam Định, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Thái Bình và TP.HCM đã bảo đảm từ 90 đến 100% nhu cầu về phòng học. Riêng An Giang, Lạng Sơn, Cần Thơ, Bình Dương, Ninh Thuận, Tiền Giang, TP.HCM, Nghệ An còn đáp ứng từ 70 đến 90% nhu cầu học sinh về phòng thí nghiệm. Trong năm học 2006 - 2007, trong khuôn khổ dự án phát triển THPT, Bộ GD-ĐT đã đầu tư 5,2 triệu USD mua sắm thiết bị bổ sung cho 64 trường THPT, 22 trường THPT nội trú, 4 trường THPT kỹ thuật, 4 trường sư phạm thực hành; sửa chữa, xây mới 1.400 phòng học, phòng thí nghiệm. Các tỉnh, thành phố đầu tư 480 tỉ đồng để xây mới 4.000 phòng học.

Việc tổ chức thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Hầu hết các trường THPT đều có chuyển biến mạnh, đạt được kết quả quan trọng trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh. Quá trình này góp phần thúc đẩy giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển từ lối dạy truyền thụ sang phương pháp phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, thay đổi cách học bài trên lớp và ở nhà của học sinh, khắc phục được tình trạng học vẹt. Các em bỏ dần lối học cũ, tích cực rèn luyện kỹ năng nắm kiến thức chủ động, toàn diện, chất lượng học được cải thiện. Việc xử lý tiêu cực trong ngành giáo dục, nhất là trong thi tốt nghiệp THPT được thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, kịp thời hơn đã góp phần khôi phục lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.