Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thanh Niên xin giới thiệu bài viết 'dặn dò sĩ tử' và chia sẻ 'bí kíp' của PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) với kinh nghiệm của một người đã trải qua nhiều cuộc thi.
Chuẩn bị sức khỏe và tâm lý trước ngày thi
Rất nhiều sĩ tử sai lầm là học ôn đến cận ngày thi, thậm chí là đến trước giờ thi, lo lắng không ăn uống, không ngủ, nghỉ trước ngày thi. Dẫn đến khi vào phòng thi mệt mỏi, không tập trung, không nhớ kiến thức đã học kết quả là không làm bài thi tốt.
Vì vậy, các bạn cần phải canh điểm rơi phong độ - giống cầu thủ bóng đá - phải rơi vào những ngày thi, phải khoẻ mạnh cả thể lực và tinh thần. Muốn vậy, trước ngày thi một tuần phải giảm cường độ học ôn, trước ngày thi 2 ngày phải thả lỏng hoàn toàn, giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống, ngủ điều độ... Vì đã cố gắng học 12 năm rồi, học thêm 1-2 ngày nữa cũng không được gì mà dễ dẫn đến "CPU" bị treo. Việc nghỉ ngơi, thả lỏng trước ngày thi sẽ giúp các kiến thức đã học quay về và khi làm bài thi sẽ nhớ lại được kiến thức đã học.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-1 trở lại và bùng phát ở một số tỉnh, thành và có nguy cơ lan rộng, các em cần hết sức lưu ý đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, không đến nơi đông người, thường xuyên tập thể dục để tăng sức đề kháng.
Trong ngày thi: Không nên quá căng thẳng và lo lắng
Các em phải cố gắng ngủ vào buổi tối trước ngày thi và trong các ngày thi. Đừng lo lắng quên giờ vì đã có báo thức điện thoại và người thân (có thể để 2 chuông báo thức). Tuyệt đối không được bỏ ăn sáng mà trái lại phải cố gắng ăn nhiều hơn ngày thường vì chuẩn bị năng lượng cho ngày làm việc vất vả.
Không nên đến phòng thi quá sớm, hoặc quá trễ, khi vào phòng thi phải cố gắng thả lỏng, chỉ tập trung vào hít thở, không lên quá căng thẳng và lo lắng vì như vậy sẽ thiêu cháy các nơ ron thần kinh và mất sự tập trung khi làm bài thi.
Tuyệt đối không đem điện thoại và tài sản quý bên người, nếu có nên gửi cho người thân hoặc giám thị.
Nhớ đọc kỹ đề và lên kế hoạch thời gian làm bài, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, phải theo dõi cân đối thời gian, tránh chôn chân ở một câu quá lâu. Khi làm ngoài giấy nháp cũng ghi rõ ràng, hệ thống để khi quay lại làm câu khó không tốn thời gian làm lại từ đầu. Không nên bỏ cuộc giữa đường, phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng.
Không nên thấy đề dễ dẫn đến chủ quan, đề khó dẫn đến nản lòng. Vì kết quả thi còn dùng để xét tuyển vào các trường đại học nên các bạn cần nhớ nguyên tắc “dễ ta dễ người, khó ta khó người”. Kết quả thi của cá nhân cạnh tranh với các thí sinh khác. Chấp hành nghiêm túc các yêu cầu của giám thị, cái gì chưa rõ cứ hỏi công khai.
Sau khi kết thúc môn thi nên vui vẻ và quên môn thi đó (tránh cay cú, buồn chán - Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai). Dành toàn bộ thời gian cho ăn uống và nghỉ ngơi để dành toàn bộ năng lượng cho buổi thi tiếp. Cố gắng chợp mắt buổi trưa - rất quan trọng vì làm hệ thần kinh bớt căng thẳng.
Kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm
Đối với làm bài thi trắc nghiệm phân bổ thời gian và chiến thuật làm bài hết sức quan trọng. Phải đọc hết đề thi và lên kế hoạch làm như sau: Dễ làm trước và phải chắc chắn đúng; Làm hết các câu có độ khó trung bình; Các câu khó quá cũng nên đọc qua để tìm hướng đi; Không dừng quá lâu ở một câu. Luôn theo dõi thời gian làm bài so với kế hoạch; Chú ý tìm từ khóa trong các câu hỏi sẽ giúp trả lời nhanh và tránh lạc đề; Khi chưa tìm ra đáp án chính xác thì phương pháp loại trừ là cách hiệu quả.
Các em nhớ đem theo đồng hồ để theo dõi thời gian, nếu còn thời gian quay lại các câu chưa làm được. Tuyệt đối không bỏ trống đáp án, trước khi hết giờ thi 5 phút các em nên đánh hết các câu chưa trả lời theo xác suất may mắn - nên chọn đáp án dài nhất.
Đối với môn thi tổ hợp
Điểm khó trong bài thi tổ hợp là trong cùng một buổi các em phải làm 3 môn thi. Giống như máy tính, nếu cùng lúc mở quá nhiều phần mềm dễ dẫn đến treo máy. Vì vậy, sau khi kết thúc từng phần thi, khoảng 10 phút chuyển giao phần này sang phần khác rất quan trọng đối với thí sinh, các em phải cố gắng thả lỏng hoàn toàn, quên hết môn trước, hít thở sâu, làm được như vậy mới tập trung vào làm bài cho môn tiếp theo.
Vui vẻ và hài lòng với kết quả thi
Hãy vui vẻ và hài lòng với kết quả thi dù như thế nào. Vì chúng ta đã nỗ lực hết sức. Nếu có luyến tiếc chăng thi đó là cả quá trình học phổ thông chúng ta chưa cố gắng nhiều. Còn các ngày trước và trong ngày thi tốt nghiệp em đều nỗ lực hết sức. Chúc các “chú ngựa 2002” chạy đến đích mong muốn!
Bình luận (0)