Ấm ức sách giáo khoa

04/10/2018 10:29 GMT+7

Tôi chính thức qua thời đi học đã ngót 50 năm rồi, cũng từng ấy năm tôi không còn dính dáng gì tới sách giáo khoa nữa, thì cớ gì mà 'ấm ức'?

Nhưng mà có đấy.
Bởi đã gọi “sách giáo khoa” là hàm ý phân biệt với tất cả các loại sách khác. Đây không chỉ là sách dạy kiến thức, mà còn dạy làm người. Đây không chỉ là sách dành cho con em mình, mà còn dành cho con em nhân dân, cho toàn xã hội. Đó phải là loại sách mẫu mực nhất, không chỉ từ nội dung, mà còn từ cách sử dụng, cách đưa sách đến với học sinh, cách làm cho học sinh và mọi người trong xã hội thực sự tôn trọng loại sách này, tin tưởng vào nó, cảm thấy an tâm khi con cháu mình học.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2018, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Có độc quyền của NXB Giáo dục trong xuất bản SGK; nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng.
Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ứng gay gắt về tình trạng độc quyền cũng như cách in và bán sách giáo khoa hằng năm cho học sinh. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ phải thanh tra toàn diện vụ việc nghiêm trọng này, vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh trong phát biểu trước phiên họp Chính phủ: “Các ý kiến phát biểu, chất vấn của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa trong một số phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây là xác đáng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần có văn bản báo cáo, giải trình rõ”.
Báo cáo hay giải trình chỉ là việc đầu tiên Bộ GD-ĐT bắt buộc phải làm. Nhưng nếu Chính phủ không tổ chức thanh tra toàn diện để có những kết luận xác đáng, thì cái sự ấm ức trong lòng nhân dân về chuyện sách giáo khoa vẫn chưa thể giải tỏa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.