Bảo hiểm y tế học đường: Thu tiền trước, dịch vụ thấp

15/09/2015 07:10 GMT+7

Đóng bảo hiểm y tế là chuyện cần phải làm đối với học sinh - sinh viên, nhưng vấn đề quan trọng là từ lâu nay dịch vụ này không đáp ứng được yêu cầu của người mua dù họ phải trả tiền trước.

Đóng bảo hiểm y tế là chuyện cần phải làm đối với học sinh - sinh viên, nhưng vấn đề quan trọng là từ lâu nay dịch vụ này không đáp ứng được yêu cầu của người mua dù họ phải trả tiền trước. 
Phòng y tế của Trường CĐ nghề TP.HCM chất chứa đồ đạc lung tung, giống như một cái kho - Ảnh: Lê ThanhPhòng y tế của Trường CĐ nghề TP.HCM chất chứa đồ đạc lung tung, giống như một cái kho - Ảnh: Lê Thanh
Nghịch lý này cần phải được giải quyết rốt ráo, nhất là khi mức đóng bảo hiểm y tế từ năm nay tăng lên.
Nhiều sinh viên (SV) của Trường CĐ nghề TP.HCM phản ảnh phòng y tế của trường thường xuyên đóng cửa nên SV không thể liên hệ được khi có nhu cầu. Bà Trần Thị Nữ, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM, giải thích: “Trước đây phòng y tế nằm ở tầng trệt, khu B rất thuận tiện cho SV liên hệ nhưng chúng tôi mới chuyển tạm phòng y tế lên lầu 1 nên chưa đi vào ổn định”. Để khắc phục tình trạng này, bà Nữ nói: “Sắp tới, chúng tôi sẽ chấn chỉnh bằng cách bố trí lại phòng y tế ở một vị trí phù hợp hơn, cử y tá túc trực 100%, đồng thời bổ sung thêm thuốc men cũng như một số trang thiết bị y tế cần thiết để phục vụ công tác điều trị các bệnh thông thường và sơ cấp cứu ban đầu cho SV”.
Mặc dù cơ sở vật chất rất khang trang nhưng trạm y tế của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại có rất ít SV ghé qua. Theo một số SV, trạm y tế được bố trí ở một địa điểm không thuận lợi, rất khuất và xa so với khu nhà học trung tâm của trường. Bác sĩ Trần Thị Ngân, Trưởng trạm y tế của trường này, nhìn nhận: “Trên thực tế, chúng tôi cũng nhận ra điều này từ rất lâu và có lần đã họp bàn với ban giám hiệu nhà trường tính phương án di dời trạm y tế đến vị trí thuận lợi hơn cho SV trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, qua những lần bàn thảo, đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa tìm ra vị trí tốt nhất để đặt trạm y tế như chúng tôi mong muốn”.
Ký túc xá (KTX) của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với sức chứa 1.500 SV nội trú nhưng 20 năm nay không có trạm y tế. Nguyễn Thị Thu Cúc, SV ở KTX, chia sẻ: “Mong muốn có một trạm y tế tại KTX là nhu cầu không chỉ của bản thân tôi mà của hầu hết SV nội trú nơi đây. Vì nếu có trạm y tế trong KTX thì khi mắc phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe thông thường, chúng tôi có thể đến trạm y tế mà không cần phải đến các dịch vụ bên ngoài vừa mất thời gian, vừa tốn kém”.
Ông Nguyễn Anh Đài, Giám đốc KTX này, giải thích: “Chúng tôi nghĩ rằng xung quanh khu vực này gần với một số bệnh viện như: Bệnh viện Q.11, Bệnh viện Q.Tân Phú nên nếu lỡ SV có xảy ra chuyện gì thì chúng tôi sẽ cử bảo vệ chở các em đến bệnh viện ngay”. Tuy nhiên, ông Đài cũng nhận thấy việc có một trạm y tế tại KTX là điều hết sức cần thiết. “Việc có một trạm y tế trong KTX để chăm sóc sức khỏe cho SV là một điều rất tốt và cần thiết. Hiện tại, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ để tuyển nhân sự, thành lập một trạm y tế nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho SV nội trú lâu dài”.
Bảo hiểm xã hội sẽ kiểm tra nếu nhận được phản ánh
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết: “Bảo hiểm xã hội TP.HCM có tổ chức loại hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với các trạm y tế trường học. Hợp đồng trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường học với mức trích chuyển là 7% số tiền đóng BHYT để mua thuốc, vật tư y tế, phục vụ việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HS - SV chẳng may bị tai nạn, thương tích và bệnh lý thông thường phát sinh trong thời gian học tập tại trường. Ngoài ra, số tiền trên còn dùng để mua tài liệu, sách, dụng cụ để phục vụ hoạt động tuyên truyền cho việc chăm sóc sức khỏe”. Về chất lượng phục vụ của các trung tâm y tế, bà Huyền nói: “Nếu chúng tôi nhận được phản ảnh của HS - SV thì tùy theo mức độ mà Bảo hiểm xã hội sẽ tổ chức kiểm tra, làm việc với ban giám hiệu nhằm chấn chỉnh kịp thời để công tác chăm sóc sức khỏe cho HS - SV ngày một tốt hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.