Bất an với trường học dở dang

27/12/2016 11:05 GMT+7

Từ năm 2013, một số trường học ở H.An Dương, TP.Hải Phòng được chính quyền đầu tư xây dựng thêm một số dãy phòng học mới. Thế nhưng phần lớn các công trình vẫn dở dang và bất cập trong thiết kế.

Theo phản ánh của các trường thì các công trình này được UBND H.An Dương triển khai với mục đích hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường mần non, tiểu học, trung học, phấn đấu trường chuẩn quốc gia. Nguồn vốn sẽ do ngân sách huyện và vốn đối ứng ở các xã. Tuy nhiên, sau 4 năm, đến nay còn 8/13 công trình chưa hoàn thành gồm: 3 trường mầm non (xã Lê Lợi, Đồng Thái, Hồng Thái), 1 trường THCS (xã Lê Lợi), 4 trường tiểu học (xã Đặng Cương, Đại Bản, Đồng Thái, Hồng Phong).
Tại các công trình, đơn vị thi công không làm hàng rào ngăn công trình với dãy phòng học. Khi nhà trường dựng rào tạm thì họ lại dỡ ra. Vật liệu, cốp pha để ngổn ngang. Sắt thép trơ trọi, hoen gỉ. Công nhân làm việc sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, thi công thì ngắt quãng. “Học sinh rất hiếu động nên hay trốn vào công trình chơi. Nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì khổ học sinh, khổ nhà trường. Chúng tôi phải cắt cử riêng một người để canh”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương cho biết.

tin liên quan

Trường học mới bàn giao đã nứt
Năm học 2016 - 2017, nhiều trường học tại Đà Nẵng được đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng nhưng vừa đưa vào sử dụng đã nứt.
Đáng nói hơn, các công trình này được xây cho trường sử dụng, nhưng nhiều trường phản ánh không được biết, hay tham gia bàn bạc về thiết kế cũng như công năng. “Chúng tôi chỉ được xã thông báo ngày giờ và mua lễ về động thổ” một lãnh đạo nhà trường cho biết. Tại Trường tiểu học Đặng Cương được đầu tư xây dựng 1 dãy nhà, được gọi là nhà đa năng nhưng các phòng được xây bé hơn cả lớp học hiện có. “Chúng tôi vẫn chưa biết sử dụng thế nào khi được bàn giao”, bà Thủy cho biết.
Tại Trường tiểu học Nam Sơn, xã Nam Sơn nơi công trình hiếm hoi được xây xong, thì cả dãy nhà 3 tầng khang trang không có một nhà vệ sinh nào. “Nhận bàn giao xong mà chúng tôi bất ngờ vì không thấy nhà vệ sinh đâu, nên ban giám hiệu phải vận động xã hội hóa xây nhà vệ sinh”, bà Trần Thị Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Phức, Chánh văn phòng UBND H.An Dương thì nguồn tiền để xây dựng các phòng học này là ngân sách của huyện và vốn đối ứng của các xã (đổi đất lấy công trình, đấu giá đất). Tuy nhiên vì nhiều lý do nên vốn bị chậm, các nhà thầu không chịu thi công. Trong năm 2017, H.An Dương sẽ rà soát và sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới hoàn thiện một số trường. Còn lại các địa phương phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có vốn. Về cách thi công của các nhà thầu, ông Phức cho biết, sẽ tham mưu cho lãnh đạo huyện có ý kiến với địa phương, nhà thầu để đảm bảo an toàn thi công, vệ sinh môi trường.
“Riêng về phản ánh bất cập trong thiết kế của các dãy trường thì tôi chưa nắm rõ, sẽ kiểm tra lại”, ông Phức nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.