Bật mí những bí mật thi THPT quốc gia: Những chuyến xe đêm

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
21/06/2018 07:09 GMT+7

Chiều muộn một ngày tháng 6 trong đợt thi THPT quốc gia năm 2017, chúng tôi nhận được điện thoại từ Ban chỉ đạo thi quốc gia đề nghị tham gia cùng đoàn kiểm tra đột xuất đi các tỉnh.

Sai mã đề, kiểm tra đột xuất trong đêm
Xuất phát từ TP.HCM, khoảng 10 giờ đêm đoàn mới đến H.Hàm Tân (Bình Thuận). Cùng lúc đó, những đoàn kiểm tra khác cũng xuất phát từ Bộ GD-ĐT đi về các tỉnh.
Khuya đó, đoàn đến một địa điểm thi tại H.Hàm Tân để kiểm tra công tác chuẩn bị thi trước khi tìm chỗ nghỉ. Chiếc xe rẽ ngoặt vào con đường vắng vẻ, nằm khuất sau các bụi cây. Nơi đây có một trường THPT là điểm thi của ngày hôm sau. Sau khi kiểm tra xong, khoảng 12 giờ đêm, đoàn mới tìm được một nhà nghỉ tạm gần đó. Cả đoàn ăn vội gói mì tôm, tranh thủ nghỉ ngơi. Nhưng mới tờ mờ sáng hôm sau, lục tục thức dậy chuẩn bị cho ngày thi chính thức.

Chỉ đến sáng hôm ấy, chúng tôi mới biết được lý do thật sự của việc thành lập hàng loạt đoàn kiểm tra đột xuất ngay trong đêm. Trước đó, khi đề thi môn vật lý đã chuyển về trung tâm in sao của các địa phương, Ban chỉ đạo thi quốc gia phát hiện sai 7 mã đề. Đề sai không thể thu hồi được, cũng không kịp in lại nên ngày 22.6, Ban chỉ đạo thi quốc gia lập tức gửi đề đính chính cho các tỉnh, phát kèm cho thí sinh 7 mã đề này ngày hôm sau. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga lúc đó vẫn không yên tâm. Ông lập đoàn kiểm tra đi khắp cả nước để dặn dò các trưởng điểm thi thông báo thí sinh kiểm tra kỹ đề, giám sát và xử lý ngay nếu xảy ra sự cố.
Chỉ đạo ngay trên đường đi
Những chuyến xe trong đêm như vậy đôi khi trở thành một “Bộ chỉ huy di động”. Nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã phải quyết định nhiều việc khi xe vẫn đang bon bon trên đường. Chẳng hạn, có năm Chủ tịch Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gọi điện báo cáo là trung tâm in sao in lỗi đề. Một số đề thi in ra bị thiếu chữ hoặc mờ. Ngay trên xe ông Bùi Văn Ga lập tức chỉ đạo in lại đề thi để không ảnh hưởng đến thí sinh.

Vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, khi chúng tôi đang cùng đoàn kiểm tra giữa đêm về TP.Cần Thơ, ông Bùi Văn Ga nhận được tin nhiều giáo viên phản ánh trích dẫn câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” (Lưu Quang Vũ) trong đề thi môn ngữ văn khác với bản gốc là “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Ông Ga lập tức gọi điện về Bộ GD-ĐT, đề nghị lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục liên lạc gấp với bộ phận ra đề (đang bị cách ly). Sau khi kiểm tra, bộ phận ra đề khẳng định đề đúng vì câu thơ được trích từ bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945 - 1985. Sự việc sau đó được các chuyên gia lần tìm hiểu thêm. Cụ thể, nguyên bản gốc của bài thơ là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Khi nhà thơ Lưu Quang Vũ gửi đến Báo Văn Nghệ để công bố vào năm 1979, Báo Văn Nghệ đã biên tập lại thành: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Năm 1985, NXB Giáo dục VN làm lại cuốn thơ 1945 - 1985, đã in lại đúng nguyên tác của tác giả Lưu Quang Vũ.
Vài ngày nữa, “tổng hành dinh” của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia lại nhận trách nhiệm tổ chức và điều hành một kỳ thi mới. Nhìn lại thời gian qua, nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chia sẻ: “Để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, mọi người luôn làm hết sức mình, luôn dự kiến những tình huống phát sinh để có phương án xử lý kịp thời. Tuy nhiên một hoạt động với quy mô rộng lớn cũng rất khó lường hết mọi tình huống có thể xảy ra. Sự căng thẳng năm nào cũng diễn ra như vậy thật sự không cần thiết. Trong khi việc tuyển sinh là nhiệm vụ của mỗi nhà trường theo luật Giáo dục ĐH. Sau giai đoạn quá độ, tốt nhất các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh cho trường mình. Bộ chỉ ban hành quy chế thật chuẩn để các trường thực hiện, không làm thay nhiệm vụ của các trường. Mọi sự cố xảy ra, nếu có, cũng chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp của một trường hay một nhóm trường. Những tình huống làm “thót tim” dư luận như trên sẽ không còn lặp lại”.
Cuộc họp căng thẳng nhất
Nhiều năm làm Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga trải qua không biết bao nhiêu cuộc họp giải quyết các tình huống phát sinh của kỳ thi. Nhưng ông nói quyết liệt, căng thẳng nhất là cuộc họp kéo dài đến đêm quyết định sửa đổi quy chế cho phép thí sinh (TS) được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi năm 2012.
Xuất phát điểm của quyết định này là vụ việc xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đó không lâu tại Đồi Ngô (Bắc Giang). Thực tế đó đặt ra nhiều câu hỏi: TS ghi lại bằng chứng để phản ảnh tiêu cực như vậy có vi phạm quy chế không? TS khi phát hiện tiêu cực trong phòng thi thì lấy gì làm bằng chứng để phản ảnh?... Một ý tưởng được đưa ra là để TS và xã hội cùng giám sát kỳ thi bằng cách công khai, hợp pháp hóa chuyện TS được ghi âm, ghi hình (không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ) trong phòng thi. Vì nếu không đưa điều này vào quy chế, TS có ý chống tiêu cực có thể bị phạm quy.
Nhiều ý kiến phản bác đề nghị này. Nhiều cuộc họp diễn ra với rất nhiều thành phần tham dự. Cuối cùng quy chế được thông qua. Theo ông Ga, thực tế từ đó đến nay không có phản ảnh nào từ TS sử dụng các công cụ trên. Tuy nhiên tác động tâm lý khá rõ, giám thị, TS nghiêm túc hơn, hạn chế tối đa việc phát sinh tiêu cực. “Đó là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn”, nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhớ lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.