Bệnh sính bằng cấp: Thay đổi từ cơ quan nhà nước

30/09/2017 08:52 GMT+7

Từ thực tế tuyển dụng và bổ nhiệm không đặt nặng bằng cấp ở những doanh nghiệp tư cho thấy nếu các cơ quan nhà nước tuyển dụng và các chế độ ưu tiên, thăng chức... không chú trọng bằng cấp nữa thì tâm lý chuộng bằng cấp sẽ dần biến mất.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, thẳng thắn nhận xét: “Dân tộc VN không hiếu học. Phải hiểu hiếu học là hiếu tri (khát khao hiểu biết), nhưng chúng ta không có nhiều phát minh, sáng chế, nước lại nghèo… Như vậy thì không phải là một dân tộc khát khao hiểu biết. Nếu hiểu theo nghĩa đó thì người VN “hiếu thi”, chuộng thi cử. Bản chất sâu xa của điều này chính là “hiếu điểm”, “hiếu bằng” mà chuộng bằng cấp lại có nguồn gốc sâu xa từ “hiếu danh”. Nhiều người xem giáo dục là công cụ để trang điểm cho thói háo danh chứ không phải để lấp đầy kiến thức cho mình. Chính vì vậy, để trị bệnh sính bằng thì phải tìm cách loại bỏ cái gốc này”.
Quy định tuyển dụng cần bớt tiêu chí bằng cấp
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, cho rằng nhà nước nên rà soát lại quy định để bớt đi tiêu chí bằng cấp. Cần có cách đánh giá cán bộ dựa trên năng lực chứ không phụ thuộc quá nhiều về bằng cấp. Ngay trong luật lệ tại các trường ĐH, CĐ hiện nay cũng có nhiều quy định liên quan bằng cấp chưa hợp lý. Chẳng hạn, luật Giáo dục yêu cầu trưởng phòng đào tạo phải là tiến sĩ. Đây là vị trí quản lý, cần gì phải là tiến sĩ. Tiến sĩ chỉ cần thiết trong vị trí nghiên cứu.
Theo đại diện một trường ĐH công lập tại TP.HCM, bằng cấp cần phải phục vụ đúng yêu cầu công việc. Chẳng hạn, với đặc thù của lĩnh vực giáo dục ĐH, viện nghiên cứu thì nhất thiết cần có bằng tiến sĩ. Còn ở những cương vị khác không cần thiết sử dụng bằng cấp cao vào công việc thì không nên đưa ra yêu cầu này trong tuyển dụng hoặc ưu tiên người có bằng cấp cao hơn.

tin liên quan

Xu hướng không cần bằng cấp
Ngược lại với khối hành chính công và đơn vị sự nghiệp, trong khối doanh nghiệp hiện nay đã bắt đầu xuất hiện xu hướng tuyển dụng không cần bằng cấp hoặc bằng cấp không là tiêu chí tiên quyết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho rằng xã hội cần đánh giá con người theo năng lực thật chứ không theo tấm bằng. Trong đó, người sử dụng lao động cần tuyển dụng dựa vào năng lực của ứng viên, dù người đó có bằng cấp hay không, đều phải đánh giá trên công việc thực tế.
Hiện nay, tại Hà Nội, cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đó là điều mà theo nhiều chuyên gia nhìn nhận, là hết sức phi lý. “Nếu như một anh chủ tịch xã cũng cần tiến sĩ, trong khi họ chỉ học hết lớp 12, thì bắt buộc phải tìm cách nào đó để có bằng. Vô hình trung họ sẽ phải gian dối”, tiến sĩ Thuận nhận xét.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT đồng quan điểm khi nhận định, một môi trường đào tạo ra bằng cấp trong sạch, không có gian lận kiểu học giả bằng thật, môi trường sử dụng lao động hiệu quả, minh bạch, đánh giá con người theo năng lực và kết quả công việc ở vị trí việc làm chuẩn xác thì động cơ để có bằng cấp sẽ giảm bớt.

tin liên quan

Bệnh sính bằng cấp
Trong khi hầu hết các nhà tuyển dụng ở khu vực tư không coi bằng cấp như một điều kiện tiên quyết thì tại khu vực công, người có bằng cấp cao lại đang được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc cách trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm.
“Siết” đào tạo sau ĐH
Một giải pháp khác để giảm “bệnh” sính bằng cấp, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, các đơn vị đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cũng cần phải giữ được sự đàng hoàng, nguyên tắc, nghiêm túc trong việc tuyển sinh, đào tạo. “Chấm dứt chạy theo chỉ tiêu và lợi nhuận, đầu vào dễ dãi, quá trình đào tạo và đánh giá thiếu nghiêm túc. Nếu người sử dụng lao động không xem bằng cấp là điều kiện quan trọng, và nơi đào tạo siết lại kỷ cương, thì dần dần, bằng cấp sẽ chỉ là một giấy chứng nhận trình độ chứ không còn “vật trang sức”, cũng như không mang lại những giá trị gì ngoài giá trị công nhận tri thức”, ông Thuận nói.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng cho rằng điều kiện để thực hiện mong muốn có bằng cấp cao ở VN hiện nay rất thuận lợi khi đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra sau ĐH rất dễ dàng. “Kinh nghiệm bản thân cho thấy có những học viên cao học rất yếu trong quá trình học ĐH nhưng cuối cùng vẫn có bằng tiến sĩ. Có những chương trình thực tế là “bán” bằng cấp, ngay cả các chương trình liên kết đào tạo của các trường, tại các viện nghiên cứu cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề về chất lượng người học”, ông Tống nói.
Từ đó ông Tống đề xuất: song song với việc thay đổi quan điểm trong tuyển dụng cần “siết” chặt quá trình đào tạo để bằng cấp có giá trị thực sự.
Truyền thống đổi đời từ bằng cấp, học vấn cao
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, thì lại lý giải hiện tượng chạy theo bằng cấp không chỉ là do văn hóa xã hội Á Đông mà là do hệ thống chính trị của chúng ta là hệ thống trọng bằng cấp. Dẫn lại chỉ tiêu tiến sĩ trong chiến lược quy hoạch cán bộ của Hà Nội hồi năm 2009, ông Thiệp cho rằng đây là một nhận thức hết sức lệnh lạc về bằng cấp. “Bằng tiến sĩ ở phương Tây chỉ cần với người làm nghiên cứu hoặc giảng dạy ĐH thôi. Những người làm các công việc khác đâu cần tiến sĩ”.
Thực tế chính truyền thống xem trọng bằng cấp đã ăn sâu vào trong máu người VN và Á Đông nói chung chính là gốc rễ của việc sính bằng ngày hôm nay. Một bài viết có tựa đề Thượng Hải và Hồng Kông: Hai ví dụ điển hình của cải cách giáo dục Trung Quốc trong tài liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhiều năm trước đây đã chứng minh điều này. Tác giả bài báo viết rằng đối với Trung Quốc, giáo dục được coi là con đường duy nhất cho sự thăng tiến trong xã hội, là hy vọng duy nhất cho tương lai của một cá nhân.
Quý Hiên - Hà Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.