Bị cận thị có làm được bác sĩ phẫu thuật?

14/03/2014 15:05 GMT+7

(TNO) Một học sinh đặt câu hỏi: Em muốn thi y và sau này làm bác sĩ phẫu thuật. Nhưng em bị cận 6 độ và nghe nói là bị cận thị thì không phẫu thuật được. Mong thầy cô tư vấn giúp cho em.

(TNO) Sáng 14.3, đoàn chuyên gia của chương trình Tư vấn mùa thi Báo Thanh Niên đã đến Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, để giải đáp thông tin cho khoảng 500 học sinh lớp 12 của trường này.

 
Học sinh Trường An Phước đặt câu hỏi cho các chuyên gia

Bỏ điểm sàn, học sinh hưởng lợi

Tại đây, có rất nhiều học sinh đặt câu hỏi liên quan đến quy chế tuyển sinh, khối ngành dễ xin việc… Đặc biệt, các em cũng đưa ra nhiều thắc mắc liên quan đến thông tin mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, cụ thể là việc Bộ GD-ĐT sẽ bỏ điểm sàn như các năm trước.

Ngọc Tiến, học sinh lớp 12C8, Trường An Phước, hỏi: “Sau khi bỏ điểm sàn, Bộ GD-ĐT sẽ dùng tiêu chí nào để làm căn cứ đánh giá năng lực đầu vào của thí sinh? Và việc bỏ điểm sàn này có gây khó khăn cho chúng em trong quá trình thi, xét tuyển không?

Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Trong kỳ tuyển sinh năm nay, điểm sàn sẽ được thay thế bằng một số tiêu chí khác. Mục tiêu là nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào ở các trường ĐH-CĐ. Như vậy, việc bỏ điểm sàn sẽ không gây khó khăn gì cho các em, nên các em hãy yên tâm”.

Riêng các câu hỏi của học sinh có liên quan đến chuyện các trường tổ chức thi riêng, thi chung, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết: “Hiện nay có 64 trường đăng ký đề án tuyển sinh riêng. Nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố danh sách chính thức cũng như phương án tổ chức thi của các trường”.

“Tuy nhiên, nhìn chung, các trường tuyển sinh riêng sẽ dựa trên kết quả học cấp 3 của học sinh, dùng kết quả thi chung để xét tuyển, hoặc một số trường có thể tổ chức một số môn thi theo ngành nghề đào tạo. Như vậy, vẫn còn khoảng 400 trường ĐH-CĐ tổ chức thi 3 chung”, thạc sĩ Vũ cho biết thêm.

Có nên từ bỏ ước mơ vì sợ “ế”

Cũng tại buổi tư vấn sáng nay, có rất nhiều học sinh đặt câu hỏi trực tiếp hoặc chuyển câu hỏi viết tay lên cho ban tư vấn về thắc mắc: liệu mình có nên bỏ đam mê trước một nghề yêu thích nhưng lại không có nhu cầu việc làm?


Các chuyên gia giải đáp thắc mắc của học sinh

Một nữ sinh của lớp 12C1, Trường An Phước hỏi: “Em chọn thi khối C nhưng chưa chọn được ngành thi. Trước đây em thích và dự định thi sư phạm. Nhưng em nghe nhiều người nói học sư phạm dễ bị ế. Giờ em không biết phải làm sao, em có nên từ bỏ ước mơ làm cô giáo? Và cho em hỏi thêm, có những ngành nào mới mở mà tuyển sinh trong năm nay không?”.

TS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt cho biết: “Thông thường, các em cần nên chọn ngành nghề mình yêu thích và lĩnh vực mình làm việc trong tương lai, sau đó mới chọn khối thi phù hợp. Cách chọn này sẽ phù hợp hơn cho các em. Hiện nay, các Sở GD-ĐT địa phương đều có tuyển dụng giáo viên hàng năm chứ không 'ế' như em nói. Nhưng để có được việc làm, các em phải trang bị đủ kiến thức, năng lực cũng như đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, việc có được việc làm hay thất nghiệp, phần nhiều tùy thuộc vào năng lực học tập và khả năng bản thân của các em”, TS Thành nói thêm.

Riêng với các ngành mới có tuyển sinh khối C, thạc sĩ Nguyễn Hữu Bình, Trưởng bộ môn luật, Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Hiện ĐH Văn Lang có ngành mới là quan hệ công chúng. Học ngành này các em sẽ được đào tạo các kiến thức về viết lách, tổ chức sự kiện, làm PR, truyền thông…

TS Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết hiện nay, có nhiều trường tuyển sinh khối C. Như ở ĐH Lạc Hồng có tuyển khối C các ngành: ngôn ngữ Anh (có thể làm thông dịch viên), Đông Phương học…

Một học sinh khác đặt câu hỏi: “Em muốn thi y và sau này làm bác sĩ phẫu thuật. Nhưng em bị cận 6 độ và nghe nói là bị cận thị thì không phẫu thuật được. Mong thầy cô tư vấn giúp cho em.

Trước câu hỏi này, ông Trần Trung Tính, đại diện Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam, cho biết: “Hiện nay, để trở thành bác sĩ phẫu thuật, các em sẽ chọn thi bác sĩ đa khoa. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ chọn học chuyên khoa mà mình mong muốn. Tôi được biết, không có chuyện bác sĩ bị cận thì không được phẫu thuật cho người khác. Với trường hợp này, bác sĩ có thể đeo kính (hoặc có thể phẫu thuật mắt)".

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “Theo tôi được biết, người cận thị đều có thể học và sau này làm bác sĩ phẫu thuật được. Thường chỉ có người thuận tay trái thì khó làm bác sĩ phẫu thuật được. Vì các thiết bị phòng mổ thường chỉ thiết kế cho những người thuận tay phải”.

Minh Luân
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

>> Tư vấn mùa thi sôi động tại Phú Yên
>> ‘Tiếp sức’ cho tư vấn mùa thi
>> 15 năm Tư vấn mùa thi - Có được việc làm: Nhờ chiều cao hay năng lực ?
>> Hàng ngàn học sinh Bình Định được tư vấn mùa thi
>> Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2014 tại Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.