Bỏ quyền chủ quản để tự chủ đại học

19/03/2016 05:11 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu từng trường đại diện cho các nhóm vấn đề nêu lên những vướng mắc, trên cơ sở đó yêu cầu các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ ngay lập tức.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu từng trường đại diện cho các nhóm vấn đề nêu lên những vướng mắc, trên cơ sở đó yêu cầu các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ ngay lập tức.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc của các trường - Ảnh: Qúy HiênPhó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc của các trường - Ảnh: Qúy Hiên
Trong Hội nghị đánh giá việc triển khai thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập mà Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm qua (18.3) tại Hà Nội, các đơn vị liên quan vẫn ngại ngần trong việc đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế bộ chủ quản.
Yêu cầu tháo gỡ trong 3 ngày
Theo Bộ GD-ĐT, đến nay cả nước có 13 trường ĐH công lập được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết 77/NQ-CP mà Chính phủ ban hành hồi tháng 10.2014. Phần lớn các trường này là trường đào tạo khối ngành quản lý kinh tế hoặc đa ngành. Sau một năm thực hiện tự chủ, các trường đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo và khai thác được tiềm năng thế mạnh của mỗi trường trong hoạt động đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, do cơ chế hoạt động còn quá mới nên trong quá trình triển khai, các trường còn gặp một số vướng mắc trên cả 3 phương diện tự chủ: cơ chế tài chính, học thuật, nhân sự.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu từng trường đại diện cho các nhóm vấn đề nêu lên những vướng mắc, trên cơ sở đó yêu cầu các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ ngay lập tức.
Về việc các trường phàn nàn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng (vốn được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên) và một số nguồn thu khác, ông Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tài chính xem xét để giải quyết. Theo giải thích của một đại diện Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, khoản thuế này mới phát sinh từ khi thực hiện Nghị quyết 77.
Theo quy định hiện hành, học phí mà các trường thu được từ sinh viên bắt buộc phải gửi Kho bạc Nhà nước, nhưng Nghị quyết 77 cho phép các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ được gửi ngân hàng để lấy lãi mà khoản lãi này theo quy định của luật Doanh nghiệp thì các trường phải đóng thuế thu nhập. Sau khi nghe giải thích, ông Đam đặt vấn đề liệu trong vòng 3 ngày tới Bộ Tài chính có thể ra được một văn bản cho phép các trường được hồi lại khoản thuế đã nộp để đầu tư lại cho đào tạo và nghiên cứu được không? Ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, hứa: “Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn việc này trong thời gian sớm nhất”.
Một số vấn đề khác cũng được giải quyết ngay tại chỗ sau khi có sự thảo luận qua lại giữa các trường và cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Chẳng hạn các trường ĐH thí điểm tự chủ kiến nghị Bộ GD-ĐT phải sớm hoàn thành và công bố việc xếp hạng ĐH để người học và xã hội thấy sự khác biệt về các trường, từ đó đồng thuận với mức học phí của các trường ĐH tự chủ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết hiện hầu hết các trường ĐH, CĐ đã hoàn thành “đánh giá trong” (tự đánh giá theo tiêu chí Bộ GD-ĐT ban hành thực hiện thống nhất trên toàn quốc), còn “đánh giá ngoài” (bởi các cơ quan kiểm định độc lập) đang được thúc đẩy.
Ông Vũ Đức Đam khuyến cáo là Bộ GD-ĐT nên thực hiện theo nguyên tắc là tôn trọng các kiến nghị của các cơ quan kiểm định khi xử lý các trường hợp vi phạm. Với những trường “đánh giá trong” không trung thực thì có thể xử lý tương tự vấn đề doanh nghiệp khai gian thuế.
Đề nghị cho hội đồng trường tự quyết bầu hiệu trưởng
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong số 13 trường ĐH thí điểm tự chủ thì hiện mới có 7 trường ĐH có hội đồng trường. Tuy nhiên, theo các trường ĐH thì các hội đồng trường hiện tồn tại một cách hình thức và có tính đối phó. Ngoại trừ duy nhất Trường ĐH Công nghiệp dệt may, còn lại tất cả các trường đều có cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, 1 trong 9 nội dung kiến nghị tháo gỡ khó khăn của các trường lại liên quan tới trường hợp Trường ĐH Công nghiệp dệt may do không có... bộ chủ quản.
Theo đại diện trường này, vì trường hợp của mình là duy nhất trong số hệ thống giáo dục ĐH công lập của cả nước không có cơ quan chủ quản, vì vậy gặp một số khó khăn, nên kiến nghị Chính phủ hoặc Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn với riêng loại hình trường này. Tuy nhiên, ông Vũ Đức Đam khẳng định không cần phải có hướng dẫn, bởi trường ĐH không có cơ quan chủ quản chính là mục tiêu mà giáo dục ĐH nước ta cần phải ước mơ, phấn đấu. Thí điểm tự chủ ĐH chính là để tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản đối với các trường ĐH, để làm sao mỗi hội đồng trường chính là cơ quan chủ quản của chính các trường ĐH.
Ông Đam cho biết tự chủ tài chính, tự chủ học thuật đã tháo gỡ được phần nào trong hội nghị này. Còn vấn đề cốt tử của tự chủ ĐH là tự chủ con người thì hiện còn vướng do còn có cơ chế bộ chủ quản. Vậy bộ chủ quản có “buông” các trường được không, để các trường được tự chủ, chẳng hạn ngay từ việc bầu hiệu trưởng? Việc bầu hiệu trưởng có thể để hội đồng trường tự quyết, còn bộ chủ quản chỉ phê chuẩn trên cơ sở đề xuất của hội đồng trường.
Ông Đam cho biết, theo rà soát của Văn phòng Chính phủ thì mối quan hệ Đảng ủy trường và hội đồng trường trong việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác nhân sự không thấy có vướng mắc nào. Tuy nhiên, đại diện các trường cũng như các bộ có mặt trong hội nghị đều tỏ ra ngần ngại.
Một đại diện khối Đảng ủy các trường ĐH cho biết đúng là phía Đảng không có gì vướng mắc, vấn đề là hiện nay hội đồng trường tồn tại khá hình thức, nên nếu cho hội đồng trường quyền bầu hiệu trưởng thì có nguy cơ quyền lực sẽ bị cá nhân thao túng. Còn đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng kiến nghị: “Muốn hội đồng trường là một chủ thể thực sự có quyền lực thì chủ tịch hội đồng trường phải là những nhân vật tầm cỡ chứ không phải bầu lên cho có như hiện nay”.
Theo ông Vũ Đức Đam, tự chủ ĐH phải đi liền với trách nhiệm giải trình, trong khi trách nhiệm giải trình chỉ có cơ hội phát huy khi có một hội đồng trường mạnh. Về nguyên tắc, đã giao quyền tự chủ cho các trường ĐH thì vai trò bộ chủ quản phải ít đi thì tự chủ mới thực sự có ý nghĩa.
Mà muốn vai trò bộ chủ quản bớt đi thì phải tăng quyền quản lý và trách nhiệm giải trình trong trường bằng hội đồng trường. Nếu hội đồng trường mạnh thì quyền lực của hiệu trưởng sẽ yếu đi, và như vậy quyền lực thay vì tập trung vào một cá nhân (hiệu trưởng) thì sẽ thuộc vào tập thể. “Đối với công tác cán bộ thì với các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tôi đề nghị các bộ chủ quản chỉ làm công tác phê chuẩn, còn lại do hội đồng trường quyết”, ông Đam đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.