Quan sát thái độ, hành động của con
Chuyện trẻ em bị bạo hành bởi bảo mẫu, người giúp việc đã diễn ra nhiều năm qua, bị xã hội lên án. Và gần đây nhất là vụ trẻ ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (Q.12, TP.HCM) bị bảo mẫu đánh đập tàn nhẫn.
Hơn bao giờ hết, các bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng hoang mang, lo lắng khi gửi con ở trường hoặc giao con cho người giúp việc.
Phụ huynh Trần Thúy Lan, Q.7, TP.HCM, kể lại: “Gần đây, tôi thấy nhóc nhà tôi hay sợ hãi. Đêm ngủ thì thỉnh thoảng bật dậy hét lên làm tôi hoảng hồn. Trước khi đi ngủ, cháu hay nói về những câu chuyện như ngày xưa mẹ đi học có bị cô véo tai, đánh vào lưng hay không. Khi mẹ ăn cơm bị rớt cô có tát mẹ không?…”.
tin liên quan
Xôn xao clip giáo viên mầm non tát tới tấp vào mặt trẻ
Phụ huynh Nguyễn Phương Ý, Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết: “Con gái tôi càng lớn càng nhút nhát. Dù nhà điện bật rất sáng nhưng con không dám ra bếp hay đi toilet một mình. Tôi hỏi thì bé bảo ở trên lớp, mỗi lần ai đi toilet là cô nói trong toilet có ma. Vì thế, lúc nào bé cũng nghĩ toilet ở nhà hay ở đâu cũng có con ma ở trong đó, nên thường nhịn tiểu...”.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM khẳng định, đó chính là các dấu hiệu cho biết trẻ bị bạo hành về tinh thần và thể xác. Chỉ là mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Các dấu hiệu quan trọng
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp chỉ ra các dấu hiệu cụ thể ở trẻ cho thấy trẻ gặp phải vấn đề: “Bé sợ đến trường, chần chừ không muốn đi. Nếu phải đi thì lo lắng. Khi nhắc đến tên cô giáo thì sợ hãi. Buổi đêm ngủ thì hay khóc, quấy, giật mình, mê sảng, hò hét. Khi gặp người lạ thì sắc mặt hoảng loạn, không muốn giao tiếp”.
Ngoài ra, còn những dấu hiệu thể hiện rõ trên cơ thể trẻ như vết bầm tím, vết xước… “Có trẻ do bị la mắng, đàn áp tinh thần nặng nề, hoặc bị đánh đập, khi về nhà còn ị đùn và tiểu dầm vô cớ”, tiến sĩ Điệp cho biết.
Bên cạnh đó, nếu trẻ sợ người giúp việc, không cho người này bế ẵm hoặc đút đồ ăn, thì có nghĩa trẻ đã từng bị người giúp việc bạo hành.
tin liên quan
Phụ huynh lật tẩy hành vi bạo hành trẻ của giáo viênKhi thấy vết tích trên cơ thể đứa con nhỏ, người cha nghi ngờ con mình bị bạo hành ở trường. Ông đã âm thầm đặt một máy ghi âm vào balo con. Những gì ghi được là tiếng thét, đánh đập và khóc thất thanh của trẻ.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt, đưa ra lời khuyên: “Cha mẹ cần phải quan sát con khi đón con từ trường về, để ý xem con vui hay buồn, có vết tích gì lạ trên cơ thể, quần áo hay không. Trẻ con thường không biết nói dối, cho nên cần lắng nghe con, khéo léo hỏi han, gợi ý để con kể chuyện trường lớp, bạn bè, cô giáo. Từ đó, chúng ta sẽ nhận định được con mình đến trường có bị bạo hành hay không”.
Trong trường hợp phát hiện ra con bị bạo hành dù nhẹ hay nặng, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp cho rằng phụ huynh cần lập tức gặp gỡ cô giáo để trao đổi một cách thẳng thắn và khéo léo. Ngoài ra, có thể báo lên hiệu trưởng để hiệu trưởng có cách giải quyết.
Phụ huynh có thể theo dõi qua camera của trường hay ở nhà nhưng không phải tất cả đều được thể hiện qua camera. Vì thế, cần theo dõi sát sao con mình để kịp thời phát hiện, xử lý, tránh để trẻ phải chịu tổn thương trong thời gian dài, trẻ sẽ bị ám ảnh suốt những tháng năm về sau.
Bình luận (0)