Cảm ơn cô, người đã truyền cảm hứng cho tôi niềm đam mê văn học

17/11/2017 15:00 GMT+7

Cuối năm 2014 đầu năm 2015 cô đã về hưu. Tôi rất vui mừng và xúc động khi nhận được tin nhắn của cô báo đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú sau nhiều năm cống hiến trong ngành.

Cô đã đưa không biết bao nhiêu thế hệ học trò trên những chuyến đò sang bên kia bến bờ của những niềm ước mơ, khao khát với niềm đam mê hứng khởi với văn học.
1. Truyền cảm hứng cho học trò niềm hứng khởi, đam mê văn học
Năm 1997 cũng là năm cuối cấp ba, tôi học Trường PTTH Lê Trung Đình, Quảng Ngãi và chuẩn bị bước vào kỳ thi tú tài (hồi đó gọi là thi tú tài), đại học với nhiều mơ ước, hoài bão của lứa tuổi học trò.
Học kỳ một năm đó lớp tôi được nhà trường bố trí cô giáo dạy văn “mới toanh” được chuyển từ Trường Nội trú Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi về dạy. Cô người Huế, dáng người nhỏ nhẹ, giọng nói của cô vô cùng ấm áp, đặc trưng của xứ “cố đô”, cô tên Nguyễn Thị Tuấn Hằng.
Lớp tôi có tiếng là “quậy” và thường xuyên chọc phá thầy cô giáo trong mỗi tiết học, có đứa sợ nhất là học văn mỗi khi có tiết. Nhưng có điều lạ, cứ tới giờ giảng văn của cô, cả lớp im như tờ say xưa nghe cô giảng trong những tác phẩm văn, thơ hay. Lớp “ngoan” một phần là do tính cô “nghiêm khắc”, thường trong mỗi tiết học cô đề nghị phải nghiêm túc bởi đây là năm cuối cấp của chúng tôi, chuẩn bị bước vào kỳ thi tú tài và đại học. Em nào nghịch phá, “gây rối” cô xin mời ra ngoài.
Nhiều năm học môn văn nhưng tôi công nhận cô có cách giảng bài rất thu hút, có lẽ một phần nhờ giọng nói đặc trưng của người Huế. Trong mỗi giờ văn học, cô dường như đã dẫn dắt tâm hồn chúng tôi bay bổng và đi đến với niềm đam mê văn học. Cô rất tinh tế, gần gũi và đặc biệt quan tâm chúng tôi.
Tôi còn nhớ, hồi đó tôi học văn chỉ ở mức khá chứ không giỏi. Biết tôi nhà nghèo ham học cô quan tâm và hướng dẫn tôi học tốt môn văn hơn rất nhiều. Có lần cô nói để học giỏi môn văn học, người học không chỉ cần có năng khiếu mà cần phải có tố chất và niềm đam mê văn học trong tâm hồn. Cô luôn động viên và khuyến khích bản thân tôi cũng như cả lớp, để học khá và giỏi môn văn cần có tư duy, suy nghĩ riêng và sáng tạo trong mỗi tác phẩm văn, thơ của mình. Hào hứng, tiếp thu cách dạy văn học sáng tạo của cô, tôi đã cố gắng phấn đấu và là học trò giỏi văn nhất lớp.

tin liên quan

Những người thầy trong trái tim tôi: 20.11, ngày ấy và bây giờ
Hơn 30 năm trước, hành trang mà cả lớp sư phạm chúng tôi mang theo khi tốt nghiệp là những dòng thơ:“Có ai hiểu được cuộc đời nhà giáo/Rất đơn sơ tập giáo án gối đầu/Viên phấn trắng làm tâm hồn bay bổng/Mực đỏ chấm bài như máu chảy từ tim”.
Một buổi sáng đầu tuần, cả lớp thật bất ngờ và buồn khi nghe tin sang học kỳ 2 cô sẽ không còn tiếp tục giảng dạy môn văn cho lớp nữa, nhà trường sẽ bố trí một giáo viên khác đảm trách bộ môn văn học thay cho cô trong những năm tháng cô ra Huế học cao học.
Tôi vẫn còn nhớ như in, buổi tối hôm đó tại trường, lớp tôi hầu như có mặt đông đủ để chia tay cô đi học. Cô nắm lấy tay dặn dò từng đứa trước lúc cô đi xa. Lúc này, cô và trò đã không còn khoảng cách mà thật gần gũi, xúc động.
Mắt đứa nào đứa nấy cũng rưng rưng! Nhẹ nhàng nắm chặt lấy tay tôi cô bảo để học giỏi môn văn em cần phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa. Phải thường xuyên đọc sách, tham khảo những bài văn hay và sáng tạo không ngừng. “Chắc chắn cô sẽ trở về với các em. Hãy chờ cô hoàn thành khóa học nhé”. Nói xong mắt cô đỏ hoe…!
Ngày cô hoàn thành khóa học cao học ở Huế nhanh chóng trôi qua, cô đã trở về và cả lớp háo hức chờ đợi cô bước vào bục giảng. Nhưng một lần nữa tôi và cả lớp hụt hẫng vì cô báo đây là lần cuối cùng cô lên với lớp. Mắt cô ngấn lệ, giọng nói của cô nghẹn ngào, cô bảo cô phải chuyển công tác và phải trở về lại trường nội trú dân tộc tỉnh để giảng dạy…
Hào hứng, thích thú với cách dạy và học văn sáng tạo của cô, gần đến kỳ thi tú tài và đại học, lúc này cả lớp phân công “nhiệm vụ” cho tôi phải làm sao liên lạc được với cô để nhờ cô giúp đỡ, ôn tập môn văn chuẩn bị cho kỳ thi tú tài và đại học sắp đến. Gặp lại tôi và nghe nguyện vọng cả lớp muốn cô ôn tập môn văn, cô rất vui mừng, xúc động khi lớp vẫn còn nhớ đến cô.
Sau mỗi chiều ôn tập môn văn học tại trường dân tộc nội trú tỉnh, cô lại dẫn chúng tôi về căn nhà tập thể của cô gần bên cạnh trường để nấu món chè đậu đỏ đãi chúng tôi. Cô bảo vui "cố ăn nhiều chè đậu đỏ vào để thi cho đậu". Xúc động và nhớ nhất là hình ảnh cô trò cùng nhau đạp xe ra chợ mua thực phẩm về rồi lúi húi làm món ram bắp trong bếp, một bữa tiệc nhỏ trước lúc chia tay.
Kỳ thi tú tài và đại học năm đó lớp tôi không đứa nào rớt tú tài, không đứa nào bị điểm số môn văn dưới trung bình. Tôi đã đậu vào hai trường đại học nổi tiếng với điểm số môn văn rất cao…

tin liên quan

Những người thầy trong trái tim tôi: Thầy cô tôi ngày xưa

Ai cũng có thầy cô giáo của mình. Và đứa trẻ nào cũng có thể kể vanh vách về thầy cô mình với niềm tự hào khôn tả. Ngày đó, chúng tôi nói những lời kính mến về thầy cô mình mỗi buổi sáng đến lớp: 'Em chào thầy ạ!'.

2. Một nhà giáo ưu tú trong tim bao thế hệ học trò
Cuối năm 2014 đầu năm 2015 cô đã về hưu. Tôi rất vui mừng và xúc động khi nhận được tin nhắn của cô báo đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú sau mấy mươi năm cống hiến trong ngành, đã đưa không biết bao nhiêu thế hệ học trò trên những chuyến đò sang bên kia bến bờ của những niềm ước mơ, khao khát với niềm đam mê hứng khởi với văn học.
Xin một lần nữa cho phép tôi được gửi đến cô, một nhà giáo ưu tú trong tim tôi cũng như trong tim biết bao nhiêu thế hệ học trò sự biết ơn và niềm trân trọng sâu sắt. Cảm ơn cô, cảm ơn những “chuyến đò” và những nồi chè đậu đỏ năm xưa cô đã luôn dành tặng cho chúng em sau mỗi giờ ôn tập môn văn, để truyền hứng khởi cũng như niềm đam mê cho em đến với văn học và đưa chúng em tự tin vững bước vào đời.
Bạn đọc có kỷ niệm đẹp, câu chuyện xúc động nào về người thầy của mình... có thể gửi đến chuyên mục Giáo dục của Báo Thanh Niên tại địa chỉ email: tngd@thanhnien.com.vn. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.