Với định kỳ mỗi năm một lần, Phòng Giáo dục Q.11 tổ chức Chương trình: “Lắng nghe tiếng nói học sinh” để học sinh có dịp thể hiện suy nghĩ của mình về môi trường học đường.
Mong muốn học thêm kỹ năng
Mở đầu cho buổi đối thoại, Trần Ái Vy, học sinh Trường THCS Lữ Gia, chia sẻ: "Cách ứng xử rất quan trọng, không chỉ là phép lịch sự thông thường mà còn phản ánh văn hóa của mỗi người. Tuy nhiên, em băn khoăn không biết có phải do lịch học quá nhiều nên cách cư xử cơ bản ở lứa tuổi học trò đang bị mai một. Cần giáo viên rèn thêm các quy tắc ứng xử, kỹ năng để chúng em cư xử đúng mực trong nhà trường, gia đình và xã hội".
Còn em Tăng Thanh Dung, Trường tiểu học Phú Thọ thì tỏ thái độ lo ngại trước tình trạng: “Vẫn còn có sự kỳ thị với học sinh hòa nhập. Em đã từng phải kêu gọi các bạn cùng lớp yêu thương, chia sẻ với các bạn gặp bất hạnh”.
Tiếp nối những ý kiến trên, em Huỳnh Mỹ Trúc, Trường tiểu học Phùng Hưng, mong muốn nhà trường tăng cường các tiết học ngoại khoá, hoạt động đội nhóm để học sinh có môi trường vui chơi, sinh hoạt vừa gần gũi vừa rèn thêm kỹ năng còn thiếu sau những kiến thức văn hóa.
Đặc biệt, cả hội trường đã vỗ tay tán thưởng khi nghe tâm tư của một học sinh Trường THCS Chu Văn An: “Học sinh có quá nhiều thứ để học mà không có nhiều thời gian vui chơi. Do vậy cần giảm tải chương trình để chúng em được sống, được tự mình trải nghiệm tuổi thơ mà không phải suốt ngày 'chúi đầu' vào việc học”.
tin liên quan
Ngành giáo dục 'siết' an ninh, an toàn trường họcLiên tiếp các vụ tai nạn, bạo hành xảy ra trong trường học thời gian qua đã khiến ngành Giáo dục các địa phương rốt ráo đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Lo lắng về an ninh trật tự
Đề cập đến việc học trong nhà trường, em Đỗ Thị Thanh Nhàn, Trường THCS Lê Anh Xuân, chỉ ra mặt trái của chuyện dạy thêm học thêm đó là hiện tượng học sinh được giáo viên yêu thương khi tham gia học thêm và ngược lại. Như vậy là không công bằng. Riêng em Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Trường THCS Nguyễn Huệ, đặt vấn đề khi học tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 7 mà không giao tiếp được bằng khi học ở trung tâm ngoài nhà trường.
Không chỉ có vậy, em Thanh Thư, Trường THCS Nguyễn Huệ, phản ánh về an ninh trật tự trước cổng trường với hình ảnh cổng phía trước bị lấn chiếm làm bãi giữ xe. Phía sau trường, hẻm vắng nguy hiểm có khi đang học nghe tiếng la thất thanh “cướp cướp” hay thi thoảng gặp “mấy người biến thái” nên rất lo sợ.
Tương tự, em Nguyễn Ngọc Thuỷ Tiên, Trường tiểu học Hàn Hải Nguyên, phản ánh với lãnh đạo Phòng Giáo dục: “Đối diện cổng trường tập trung rất nhiều hàng rong lấn chiếm lòng lề đường khiến tụi con qua đường rất khó khăn”.
Trước những ý kiến của học sinh, ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục Q.11, đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Với tình trạng an ninh trật tự ở khu vực Trường THCS Nguyễn Huệ, ông Hoàng thông tin, dự kiến cuối năm nay quận sẽ tiến hành động thổ xây dựng mới trường Nguyễn Huệ và sẽ tính toán đến phương án thay đổi vị trí cổng trường. Ngoài ra, phòng sẽ làm việc với UBND nơi trường đặt vị trí để tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho học sinh.
tin liên quan
Đối thoại học đường: Học sinh có cần được thầy cô tôn trọng?Khi gặp giáo viên, chúng em đều phải chào hỏi. Nói chuyện thì phải dạ, thưa kính cẩn. Vậy học sinh có cần được tôn trọng lại. Và biểu hiện của việc tôn trọng ấy như thế nào?
Ông Hoàng cũng chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS cần có các giải pháp cụ thể để đáp ứng nguyện vọng của học sinh. Những vướng mắc ở trường làm cho học sinh chưa hài lòng, cần phải được giải quyết ngay, chấm dứt tình trạng để học sinh phải hỏi lại trong chương trình lần sau.
“Giáo viên cần phải làm gương trong mọi hoạt động dạy và học, phải hỗ trợ và giúp đỡ tận tình học sinh chuyên biệt”, Ông Hoàng nói.
Trả lời câu hỏi học sinh, ông Huỳnh Hữu Chiến, Phó giám đốc Nhà thiếu thi Q.11, cũng cho biết quận xây dựng nhà thiếu nhi có quy mô hiện đại và xây dựng đề án CLB đội nhóm để tạo điều kiện cho học sinh tham gia sinh hoạt, rèn kỹ năng.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.11 cũng chỉ đạo các trường sau khi lắng nghe tiếng nói học sinh thì phải thực hiện những đề xuất của học sinh trong giới hạn trách nhiệm của mình. Ngoài ra, lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.11 cũng cung cấp địa chỉ hộp thư điện tử để khi cần học sinh phản ánh thông tin chứ không phải chờ đợi mỗi năm khi có chương trình đối thoại này.
Bình luận (0)