Loay hoay tìm kiếm
|
Chưa kinh qua thì phải lo tìm hiểu, nhưng thực tế cũng chẳng dễ gì. Những người lớn tuổi quanh mình, nuôi con từ 20 - 30 năm trước, lúc đó nhờ các cụ bày vẽ giúp cũng có việc nghe theo được, nhưng cũng có đôi điều phân vân “có còn hợp thời?”. Thời điểm đó, mạng internet làm gì có mà tra cứu để chọn lựa phương án phù hợp nhất; sách viết về nuôi con nhỏ cũng quá hiếm hoi nên chúng tôi đành lục tìm trên các loại báo tình cờ có được. Lâu lâu thấy đâu đó một mẩu báo hoặc một quyển sách giấy đã ố vàng có nêu chút kiến thức nuôi con là cắt ra để cất giữ, làm “vốn” nuôi con khỏe mạnh chuẩn bị rời nhà đi học mẫu giáo!
Lớn thêm vài tuổi nữa, thời gian "rời nhà" của cháu lại càng nhiều vì có vẻ việc học ở nhà trường chưa đủ đáp ứng cho các cháu những kỹ năng làm việc trong tương lai. Khi đã có con, lo lắng lớn nhất của chúng tôi lúc đó là các thời điểm con phải rời khỏi vòng tay ấm êm của mình.
Mở “con đường sáng”
|
Được hưởng lợi từ hoạt động thể thao lành mạnh nên khi con sắp đến tuổi vào lớp 1, vợ chồng tôi hướng con mình tập bóng bàn. Đó là ý muốn chủ quan của chúng tôi nhưng may mắn là dần dần bé cũng chuyển thành đam mê của chính mình, tự sắp xếp được lịch sinh hoạt để vừa học tốt ở trường, vừa đạt một số thành tích trong thi đấu.
Tiếp đó, đứa con trai của chúng tôi xem chị thi đấu cũng thích thú. Vậy là đến lượt cậu út này cũng gắn bó với bóng bàn ngay từ những năm đầu tiểu học và theo suốt đến nay khi đã có công việc ổn định.
Sống với thể thao suốt thời gian dài trong thời niên thiếu, các con của tôi có nhiều cơ hội rèn luyện những tính tốt cho cuộc sống tương lai, trong đó nổi bật nhất là biết sống tự lập, kỷ luật, tinh thần đồng đội cao… Khi đi theo đội bóng bàn của tỉnh thi đấu ở xa, ngay từ nhỏ các cháu đã tự lo được các sinh hoạt cá nhân như giặt áo quần, ăn ngủ đúng giờ quy định, chủ động trong việc chi tiêu tiền theo kế hoạch… Trong quá trình thi đấu, tinh thần phấn đấu cũng được rèn luyện. Điểm kết thúc một ván bóng bàn là 11, nhưng cậu út của tôi có lần kể: "Có những ván đối thủ của con vượt lên điểm 10, nhưng con vẫn cố thắng từng điểm một để quân bình 10 đều. Sau đó, hai đứa con phải giao bóng luân lưu để cố thắng ván đấu".
Thi đấu có lúc thắng lúc thua, nhưng nhờ những “cọ xát” thường xuyên bên bàn bóng như thế mà các cháu hình thành dần nỗ lực vượt khó sau này khi vào đời.
Thật lòng mà nói, nhờ có hoạt động thể thao mà chúng tôi có được cuộc sống lành mạnh, hướng cho con chú trọng học văn hóa nhưng không quên rèn luyện thể dục thể thao nên các con sớm ý thức được trách nhiệm với gia đình và xã hội. Bây giờ, chúng lại trở thành cha mẹ. Thật trùng hợp, cách đây 2 năm, khi đứa cháu ngoại của chúng tôi 5 tuổi đã trở thành học viên nhỏ tuổi nhất của lớp bóng rổ trong mùa hè. Thấy đứa cháu "thế hệ thứ ba" này khỏe hẳn ra, nhanh nhẹn hơn và nhất là đến nay hằng tuần vẫn tiếp tục hăng hái tập luyện môn thể thao này, chúng tôi rất mừng.
Bình luận (0)