Chất lượng đại học nơi biển lớn

30/10/2014 05:25 GMT+7

Với hai ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính vừa đạt chuẩn kiểm định ABET danh tiếng của Mỹ, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM vượt qua bước ngoặt quan trọng để chứng minh chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế.

 Các chuyên gia của ABET kiểm định thực tế tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: T.L
Các chuyên gia của ABET kiểm định thực tế tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: T.L

Tại các nước phát triển, việc đánh giá chất lượng đào tạo của một trường ĐH song hành cùng năng lực sinh viên đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đây cũng chính là quan niệm của những tập đoàn lớn khi tuyển dụng, nên chất lượng đào tạo luôn gắn liền với những chính sách phát triển đất nước.

Sân chơi toàn cầu

Khi tuyển dụng nhân sự tại một quốc gia bất kỳ, những tập đoàn toàn cầu như Boeing hay Intel luôn đánh giá cao, thậm chí bắt buộc, các ứng viên phải được đào tạo từ những chương trình đạt chuẩn quốc tế. Tất nhiên, các chuẩn quốc tế như vậy phải được công nhận toàn cầu dựa trên uy tín lâu dài. Trong số các tiêu chuẩn mà những tập đoàn toàn cầu đánh giá cao, ABET được xếp nhóm đầu bảng đối với các ngành kỹ thuật và công nghệ. 

ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology - tạm dịch: Hội đồng kiểm định kỹ thuật và công nghệ) là một tổ chức được thành lập bởi các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ vào năm 1932. Hiện nay, 33 hiệp hội ngành nghề là thành viên của ABET. Hằng năm, có khoảng 2.000 tình nguyện viên từ các hiệp hội thành viên tham gia các hoạt động của ABET như điều hành, đánh giá... Tổ chức này đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo mức ĐH/sau ĐH, tạm gọi tiêu chuẩn ABET, trong các lĩnh vực: kỹ thuật, công nghệ, điện toán và khoa học ứng dụng. Từ năm 1997, ABET đã được công nhận bởi Ủy ban Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Mỹ (Council of Higher Education Accreditation).

Còn nhiều thách thức

Uy tín của ABET được chứng minh qua cách đánh giá cực kỳ nghiêm ngặt gồm 9 tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá của ABET cũng từng trải qua những vị trí then chốt ở các tập đoàn lớn trên thế giới, nên luôn hướng đến việc đảm bảo chất lượng đào tạo phải đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Từ năm 2008, Trường ĐH Bách khoa (ĐHBK) bắt đầu kế hoạch hoàn thiện các tiêu chí theo tiêu chuẩn ABET. Đến năm 2013, một nhóm kiểm định viên của tổ chức này đã đến VN để thẩm định. Dù kết quả thẩm định đều đạt nhưng Trường ĐHBK vẫn phải trải qua thêm 8 tháng hiệu chỉnh quy trình đảm bảo chất lượng theo chuẩn ABET.

TS Vũ Thế Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐHBK, cho biết: “Ban kiểm định của ABET thậm chí xem xét lại các bài thi cũ của sinh viên và yêu cầu chứng minh rằng nội dung đề thi đánh giá toàn diện về khả năng của sinh viên đối với các mục tiêu mà môn học cần đạt được”. Xa hơn, ABET còn thẩm định kết quả làm việc mà sinh viên của trường đạt được sau 5 năm tốt nghiệp.

Giá trị chuẩn ABET được công nhận chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, 2 ngành học của Trường ĐHBK được công nhận từ năm 2014 - 2019, nên khi hết hạn thì trường phải được đánh giá lại. Bởi thế, việc đạt chuẩn ABET dù đã rất khó khăn nhưng cũng chỉ là bước khởi đầu cho quá trình vượt qua rất nhiều thách thức để đảm bảo chất lượng đào tạo tiêu chuẩn quốc tế lâu dài.

Đến nay, ABET đã kiểm định chất lượng cho khoảng 3.466 chương trình đào tạo của hơn 698 trường đại học ở 28 nước. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ các nước Singapore, Philippines và Indonesia có một số chương trình được kiểm định bởi tổ chức này. Trường ĐHBK là đơn vị đầu tiên đạt chuẩn này tại VN.

Hoàng Đình

>> Kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn ABET
>> Đại học Bách khoa TPHCM đi đầu trong đào tạo theo tiêu chuẩn ABET

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.