Chia sẻ với thầy cô... cắm bản

07/11/2015 07:04 GMT+7

Để chuẩn bị cho chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, T.Ư Hội LHTN VN đã tổ chức chuyến đi thực tế để ghi nhận những đóng góp của các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa .

Để chuẩn bị cho chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, T.Ư Hội LHTN VN đã tổ chức chuyến đi thực tế để ghi nhận những đóng góp của các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa.

Trường tiểu học Sơn Điện 2, H.Bảo Yên, Lào Cai - Ảnh: Phan HậuTrường tiểu học Sơn Điện 2, H.Bảo Yên, Lào Cai - Ảnh: Phan Hậu
Có mặt trong chuyến đi, tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long (ảnh), đơn vị đồng tổ chức chương trình đã trả lời phỏng vấn với Thanh Niên xung quanh những cảm xúc về lòng tận tụy của thầy, cô ở các trường học điểm lẻ thuộc 62 huyện nghèo.
* Ông có thể cho biết cảm xúc của mình khi tham gia các chuyến đi thăm thực tế này?
- Đó là cảm xúc khó tả của một người đã từng đứng trên bục giảng trong nhiều năm nhưng không có điều kiện tiếp tục nguyện ước của mình. Đó là sự thán phục khi nhìn thấy lòng nhiệt tâm và tận tụy của những đồng nghiệp trẻ trước những khó khăn và thách thức trong công tác giảng dạy, cũng như sinh hoạt hằng ngày với những điều kiện và phương tiện cực kỳ thiếu thốn. Đó cũng là một dịp để chiêm nghiệm về bản thân và xem lại sự “chia sẻ” của chương trình đã đáp ứng được nhu cầu của thầy cô chưa.
* Khi tận mắt chứng kiến đời sống khó khăn của các giáo viên cắm bản và trẻ em vùng sâu, vùng cao, ông có chia sẻ nào đối với các doanh nghiệp đang làm hoạt động xã hội, trong đó có Tập đoàn Thiên Long?
- Tôi thực sự bàng hoàng trước thực tế khó khăn của thầy cô giáo cắm bản và của các cháu học trò tại những vùng đất hoang vu này. Tôi thấy tôi, những người phố thị đầy đủ quá! Và cũng thấy rằng mình đã lãng quên quá nhiều điều cần phải làm cho thầy cô giáo trong thời gian qua! Trong suy nghĩ của tôi có ngay sự so sánh, dù không đúng lắm, về cuộc sống hiện nay của thầy cô giáo tại thành thị cũng như của các cháu học sinh cùng trang lứa với bao điều kiện sinh hoạt và phương tiện học tập có sẵn ở chung quanh. Đồng thời với sự so sánh này, tôi cũng cho rằng tất cả chúng ta, bất kể cá nhân hay tổ chức, cần có ý thức về sự chia sẻ đối với những hoàn cảnh này. Chúng ta không buộc phải hạ thấp mức sống hiện tại để “chia sẻ” cái khổ, cái khó cùng với thầy cô cắm bản mà ngược lại, phải làm sao để đưa mức sống hiện tại của thầy cô cắm bản lên bằng với mức sống, với điều kiện sống của chúng ta. Làm như vậy, theo tôi, mới đúng nghĩa của từ “chia sẻ”.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” sẽ diễn ra ngày 12.11 tại Hà Nội. Có 64 giáo viên được chọn tuyên dương sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám; gặp mặt và giao lưu với lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Các giáo viên được T.Ư Hội LHTN VN tặng bằng khen, kỷ niệm chương và 1 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng.
* Sau chuyến đi thực tế, ông thấy cái khó của chương trình là gì?
- Có nhiều cái khó của chương trình cần nghĩ đến. Đó là có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn không những đối với thầy cô giáo cắm bản mà còn đối với bao học sinh ở những vùng cao, vùng xa hiện nay trên khắp cả nước. Với những hoàn cảnh này, làm thế nào để có một nguồn tài trợ đáng kể để chia sẻ và để giúp thầy cô giáo và các em học sinh? Mục đích của chương trình không chỉ dừng lại đối với thầy cô giáo cắm bản mà còn đối với bao tấm gương khác đang giảng dạy tại vùng biển đảo, biên giới xa xôi, với những thầy cô đã ngày đêm, trong nhiều năm liền, có công đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà thông qua những công trình lao động trí tuệ có giá trị đối với công tác dạy và học… Chính vì vậy, một cái khó khác của chương trình là làm thế nào để kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay, góp sức lo cho thầy cô lâu dài, ổn định để thầy cô toàn tâm toàn ý cho công tác giáo dục. Làm được như vậy, cả vai trò người thầy lẫn chất lượng giáo dục mới thực sự được xem trọng, đúng với truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” của chúng ta.
* Những điểm nào trong chuyến đi, ông cảm thấy chưa đạt như kỳ vọng? Ông dự định sẽ khắc phục như thế nào?
- Có nhiều điểm khiến tôi cảm thấy chưa được “thỏa lòng” khi tổ chức các chuyến đi. Đó là chúng tôi đã không tổ chức được đầy đủ các chuyến đi để đến thăm tất cả các tấm gương tiêu biểu của giáo viên cắm bản trong đợt bình chọn lần này. Mặc dù đã đọc qua thông tin về những thầy cô giáo này nhưng giá mà có thể đến tận nơi thầy cô đang công tác, nhìn thấy thực tế đang diễn ra thì chúng ta mới có thể có cảm nhận thực sự về hoàn cảnh của từng thầy cô. Một điểm thực tế khác khiến cho những chuyến đi chưa được diễn ra như ý là yếu tố khoảng cách và thời gian. Vì địa điểm thầy cô hiện đang cắm bản đều nằm hầu hết ở những vùng cao, vùng sâu trải dài từ cao nguyên Bắc bộ đến tận nam Trung bộ cho nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn về đường đi, phương tiện đi lại và thời gian dành cho các chuyến đi thăm. Trong những lần tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” cho các năm sau, chúng tôi sẽ phải tính toán kỹ những chuyến đi này để sao cho đáp ứng được cả số lượng lẫn chất lượng các chuyến đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.