Tổ hợp có điểm cao nhất
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, trên lý thuyết tất cả thí sinh (TS) khi đăng ký dự thi đều có định hướng nghề nghiệp thông qua việc chọn môn thi. Tuy nhiên, không phải thi xong là hoàn thành việc chọn lựa tổ hợp môn xét tuyển. Bằng chứng từ việc đăng ký dự thi năm ngoái, ở cụm thi ĐH số TS đăng ký từ 4 - 5 môn chiếm đa số (trong khi một tổ hợp chỉ cần 3 môn). Thậm chí có một số TS đăng ký dự thi 6 - 8 môn. Như vậy, nhiều TS chọn môn thi nhưng chưa chắc chắn tổ hợp dùng để xét tuyển ngay thời điểm đó.
Trong trường hợp này, tiến sĩ Nghĩa khuyên: “Năm nay TS được đăng ký xét tuyển vào 2 trường với tối đa 4 ngành. Có nghĩa là nếu sử dụng hết số lượng tổ hợp môn, mỗi TS được phép đăng ký xét tuyển bằng 4 tổ hợp khác nhau. Tuy nhiên, cách tối ưu là dựa vào ngành yêu thích, đối chiếu tổ hợp xét tuyển của trường với kết quả thi để chọn ra tổ hợp xét tuyển có kết quả cao nhất”.
tin liên quan
Chọn trường xét tuyển: Xét tuyển kinh tế, có tìm được việc làm?Đó là trăn trở của thí sinh khi có không ít cử nhân kinh tế thất nghiệp.
Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh, cần đặc biệt lưu ý là năm nay TS không được thay đổi nguyện vọng trong quá trình nộp hồ sơ và TS có tới 2 cơ hội trúng tuyển. Khi đó, những TS điểm cao có khả năng trúng tuyển cả 2 trường, các TS này sẽ chiếm chỗ của những TS thấp điểm hơn. Vì vậy, nguy cơ không trúng tuyển vào trường nào của TS điểm cao vẫn có. Trường hợp này tiến sĩ Nghĩa cho rằng, cần lưu ý đến sự “vừa sức” khi đăng ký xét tuyển ở từng nhóm trường và trong từng loại tổ hợp môn.
Lưu ý ngành có nhiều tổ hợp
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng chiến thuật chọn tổ hợp môn còn phụ thuộc vào đặc điểm xét tuyển từng trường. Khi đó, TS phải lưu ý sự khác nhau ở những ngành có một hoặc nhiều tổ hợp.
Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa xác định chung chỉ tiêu và điểm chuẩn cho các tổ hợp khác nhau trong cùng một ngành, TS chỉ cần lựa chọn tổ hợp có điểm cao nhất để nộp hồ sơ. Với những ngành có chỉ tiêu và điểm chuẩn riêng cho từng tổ hợp thì phải biết được chỉ tiêu, số lượng đăng ký và phổ điểm từng tổ hợp. “Trong trường hợp này chưa chắc TS sử dụng tổ hợp cao nhất là trúng tuyển”, ông Thông nói.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khuyên trong hoàn cảnh này thì kênh thông tin quan trọng nhất để tham khảo khi chọn tổ hợp xét tuyển chính là điểm chuẩn năm ngoái của ngành và trường đó. Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Thứ tự điểm chuẩn cùng một ngành của các trường cơ bản sẽ không thay đổi, đây sẽ là thông tin tham khảo quan trọng để TS cân nhắc để chọn trường vừa sức”.
Chọn ngành yêu thích
Lời khuyên các chuyên gia lưu ý TS nhiều nhất là nên chọn ngành mình yêu thích nhất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, năm nay ở đợt xét tuyển đầu tiên, Bộ GD-ĐT cho phép TS đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Năm 2015, TS chỉ được chọn một trường với những ngành khác nhau trong trường đó, nên có khi TS trúng tuyển vào ngành mình chưa yêu thích nhất. Năm nay TS có thể chọn một ngành giống nhau ở 2 trường nên có cơ hội trúng tuyển ở nhiều trường khác với điểm chuẩn thấp hơn, phù hợp điểm thi của mình. Như vậy, quy định năm nay cho phép TS nhiều cơ hội lựa chọn vào ngành yêu thích hơn so với năm ngoái.
tin liên quan
Chọn trường xét tuyển: Nghề làm đẹp cho ngườiDù ở thời đại nào, thời trang luôn là một lĩnh vực gắn liền với cuộc sống và vẻ đẹp con người nên nghề thiết kế thời trang không bao giờ lỗi mốt.
Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Nghĩa, năm nay TS không được phép rút hồ sơ đã nộp, vì vậy, đầu tiên TS nên chọn ngành mình yêu thích, sau đó theo dõi thông tin trường, chỉ tiêu, điểm, tổ hợp môn xét tuyển, ngành này học những gì, ra trường làm gì…
Tận dụng các phương thức xét tuyển
Có rất nhiều trường, trong đó phần lớn các trường ngoài công lập, đều sử dụng 2 phương thức xét tuyển: Dựa vào điểm thi THPT quốc gia và theo kết quả học bạ của TS. Vì vậy, để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích, theo tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng; tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và tiến sĩ Võ Thanh Hải, TS nên nộp cả hai phương thức. Trên thực tế nhiều TS có điểm học bạ rất cao, nếu nộp cả hai phương thức sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Bình luận (0)