Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: 'Sinh viên phải am hiểu và tuân thủ pháp luật'

Hà Ánh
Hà Ánh
04/09/2018 16:29 GMT+7

Chiều 4.9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM.

Chủ đề buổi nói chuyện tập trung vào vai trò của trường ĐH đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong tình hình mới. 

Taị đây, Chủ tịch Quốc hội đã có bài phải biểu về trách nhiệm của sinh viên trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Theo đó, trước hết sinh viên cần làm rõ khái niệm: nhà nước pháp quyền dùng chung cho toàn thế giới và nhà nước pháp quyền XHCN dành riêng cho Việt Nam.

Không thể phát huy được sức mạnh, tiềm năng của ĐH nếu thiếu cơ chế quản trị phù hợp

Cùng với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền trong tình hình mớiChủ tịch Quốc hội đã liên hệ đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực ĐH, trước hết là sự cam kết của nhà nước trong phát triển ĐH.

Sự cam kết của nhà nước trong giáo dục ĐH thời gian qua đã thể hiện một ý chí chính trị mạnh mẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của nền giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH. Cùng với nhiều quyết sách, việc xây dựng 2 ĐH quốc gia và một số đại học trọng điểm, là một thể hiện cụ thể tầm nhìn và cam kết của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục ĐH.

Đề cập nội dung liên quan đến giáo dục ĐH, bà Ngân nêu lên 2 vấn đề:  Một là quan điểm hiện nay của quản lý nhà nước đối với giáo dục ĐH, đó là phát triển năng lực tự chủ của hệ thống giáo dục ĐH. Hai là vai trò của ĐH trong tham gia vào xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Đứng về mặt tự chủ ĐH, theo bà Ngân, đây là một đặc tính và yêu cầu tất yếu của một trường ĐH trên cả 3 lĩnh vực chính là: hoạt động chuyên môn, khoa học; tổ chức nhân sự; bộ máy và hoạt động tài chính của đơn vị. Tự chủ là yêu cầu của quản trị một cơ sở giáo dục và cần một hành lang pháp lý, quản lý nhà nước phù hợp với chính cơ sở đó.

“Ví dụ ở lĩnh vực nguồn lực tài chính, bài học kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nguồn lực tuy rất quan trọng, nhưng không thể phát huy được sức mạnh, tiềm năng của ĐH nếu thiếu một cơ chế quản trị phù hợp. Ngân sách nhà nước có thể hạn chế, nhưng nguồn lực trong nhân dân là rất lớn. Nếu chúng ta nhìn nhận tới nguồn tài chính mà người dân Việt Nam đang đổ ra cho con em đi du học và chi phí cho các trường quốc tế tại Việt Nam”, bà Ngân nhấn mạnh.

Sinh viên trình bày ý kiến trước Chủ tịch Quốc hội trong buổi nói chuyện - Ảnh Khả Hoà

Trong thực tế, nhiều tổ chức kinh tế ở Việt Nam sẵn sàng đầu tư cho giáo dục chất lượng cao nếu họ nhìn thấy khả năng thành công. Như vậy, vấn đề cốt yếu nhất, mà Nhà nước đóng vai trò quyết định, là tạo ra một cơ chế quản trị, tôn trọng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, hình thành một không gian đủ rộng cho các sáng kiến được thực hiện. Làm sao có thể tạo ra một môi trường giáo dục ĐH phát triển với các trường ĐH đủ điều kiện theo những chuẩn mực quốc tế, thì vai trò tốt nhất của Nhà nước không phải là kiểm soát mà là xác lập các nguyên tắc đúng đắn và giám sát việc thực hiện những nguyên tắc ấy. Nếu môi trường quản lý không tạo điều kiện để các trường ĐH có một mức độ tự chủ cần thiết, thì hoạt động của các trường sẽ hết sức khó khăn, và như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Tự chủ ĐH  hoàn toàn không có nghĩa là thả nổi hay buông lỏng quản lý. Tự chủ ĐH phải gắn chặt với cơ chế giải trình, trách nhiệm minh bạch
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân

Liên quan tự chủ ĐH, bà Ngân nói: “Trong vài năm gần đây, sự ra đời quá nhiều trường ĐH đã khiến dư luận bày tỏ sự lo ngại về chất lượng. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề phải nhìn lại việc quản lý. Tự chủ ĐH  hoàn toàn không có nghĩa là thả nổi hay buông lỏng quản lý. Tự chủ ĐH phải gắn chặt với cơ chế giải trình, trách nhiệm minh bạch. Sự minh bạch về trách nhiệm sẽ buộc các cơ sở đào tạo phải tồn tại bằng chất lượng thay vì bằng những giải pháp ngắn hạn".

Sinh viên ngành nào cũng phải nắm rõ luật
Đứng ở góc độ trường ĐH tham gia vào xây dưng nhà nước pháp quyền XHCN, bà Ngân cho rằng các trường là nơi đào tạo, rèn luyện thế hệ trí thức trẻ cho đất nước, đội ngũ tương lai sẽ tham gia vào hệ thống nhà nước pháp quyền XHCN, triển khai, thực thi và góp phần hoàn chỉnh hệ thống này. Vì vậy, đòi hỏi các trường ĐH phải có các biện pháp giáo dục, giới thiệu cho các sinh viên ngay từ những ngày còn trên ghế nhà trường để các sinh viên có thể nghiên cứu một cách nghiêm túc về mô hình và nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền XHCN.

“Không chỉ là sinh viên các trường luật, kinh tế mới phải nắm khái niệm này, mà ngay cả trường khoa học, kỹ thuật hay sinh viên y khoa, quốc tế cũng cần phải nắm vững, vì ở vị trí nào, rồi thì các em đều tham gia vào hệ thống quản lý này, là người được tác động hoặc triển khai hoạt động của chính hệ thống nhà nước này”, bà Ngân chia sẻ.

Với các trường ĐH, việc tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN chính là đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học, thực tiễn và phát triển lý luận về nhà nước và pháp quyền XHCN.

Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM, bà Ngân đề nghị: “Tôi xin đặt hàng với ĐH Quốc gia TP.HCM nghiên cứu về nội dung này, về vai trò của Quốc hội với việc hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt nhất tổ chức đại diện dân cử của người dân, là cơ quan quyền lực của nhà nước”.

Trước hàng trăm sinh viên tham dự buổi nói chuyện, bà Ngân nói: “Chính các em sinh viên ngồi đây hôm nay, tương lai rất có thể sẽ là cán bộ lãnh đạo của TP.HCM, Bình Dương, thậm chí đại biểu Quốc hội ”.

Có mặt trong buổi nói chuyện, sinh viên Huỳnh Mạnh Phương, khoa Luật Trường ĐH Kinh tế-luật, bày tỏ mong muốn được định hướng về nhiệm vụ của người công dân trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN để có định hướng học tập, rèn luyện của bản thân mình.

Trước băn khoăn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dù học bất cứ ngành nào cũng phải học tập và không chỉ học trong sách vở, từ nhà trường thầy cô mà phải đọc sách, tham gia nghiên cứu khoa học. Ngoài kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng quát kinh tế chính trị rất quan trọng.

“Các cháu chính là tương lai đất nước, biết đâu được sẽ là một đại biểu Quốc hội trong tương lai. Nhưng dù lĩnh vực nào thì phải am hiểu luật và có tinh thần tuân thủ pháp luật. Luôn nhớ đừng làm việc gì trái quy định pháp luật, trái lương tâm đạo đức của con người thì các cháu sẽ trưởng thành”, bà Ngân nhắn nhủ.

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.