Chủ trương cấm dạy thêm, học thêm là bài học kinh nghiệm cho TP.HCM

29/09/2016 16:01 GMT+7

Đó là trao đổi với Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan với báo chí trong buổi họp báo diễn ra trưa 29.9.

Ông Hoan cho hay nhận thức của lãnh đạo TP về chủ trương cấm dạy thêm, học thêm là: dạy thêm, học thêm mang tính chất tràn lan và tiêu cực, cần phải loại bỏ. Tuy nhiên, việc cấm dạy thêm, học thêm cần có lộ trình để tránh gây ra bức xúc trong xã hội

“Việc làm nhanh, làm mạnh như vừa qua đã ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác. Đó là chưa chuẩn bị tâm lý cho đội ngũ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đây là kinh nghiệm của TP bởi một quyết định tác động đến xã hội thì phải xem xét, lường trước, nhưng trong quyết định này chúng ta chưa chuẩn bị tâm lý”, ông Hoan nói.

tin liên quan

Vẫn bối rối với quy định cấm dạy thêm
Lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh tại TP.HCM đang rất bối rối vì đã gần đến thời hạn cuối cùng dừng hoạt động các trung tâm dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.

Việc chưa chuẩn bị, theo ông Hoàn, đó còn là cơ sở vật chất ở trường học. Ví dụ như có trường cho đối tác thuê cơ sở vật chất để mở trung tâm dạy học trong trường nhưng nay lấy ngang sẽ vấp phải sự phiền hà, chưa kể còn trái luật. “Qua 5-6 tháng thực hiện, Thành ủy, UBND TP đã thấy hết được những khó khăn và cần đưa ra giải pháp để chủ trương đó ít tác động đến xã hội”, ông Hoan khẳng định.

Sau khi đánh giá, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu UBND TP, HĐND TP và các bên liên quan xem xét thấu đáo. Ở đây vẫn kiên quyết cấm dạy thêm, học thêm đem lại tiêu cực tràn lan theo đúng thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên việc cấm này cần có lộ trình để khảo sát, dựa trên cơ sở thực tế vì đây là vấn đề nhạy cảm.


Ông Hoan cho biết Thành ủy, UBND đã có những giải pháp. Đó là chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm ở trường học. Kiểm tra, đánh giá những mặt được và chưa được của dạy thêm, học thêm. Tăng cường quản lý đối với dạy thêm ngoài trường học: cơ sở vật chất, học phí, giờ giấc…

“Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách để chăm lo đội ngũ giáo viên tốt hơn về thu nhập, nhà ở. Đầu tư về cơ sở trường lớp, giúp các em học sinh có nhiều cơ hội giao lưu xã hội, ngoại khóa, đổi mới sách giáo khoa, thi cử”, ông Hoan nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.