Chưa thay SGK lớp 1 từ năm tới: Ép tiến độ sẽ lặp lại những thất bại cũ!

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/09/2018 09:01 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ quyết định chưa thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm tới nhận được nhiều ý kiến cho rằng đây là quyết định tất yếu khi những điều kiện tối thiểu để thực hiện vẫn đầy ngổn ngang, thiếu thốn.

Cần chất lượng hơn tiến độ
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng tình với việc chưa nên thay sách giáo khoa (SGK) vào năm học tới khi mà công việc còn bề bộn như hiện nay. Vị này cho rằng, chương trình, SGK hiện hành dù có hẳn một thời gian thực hiện thí điểm rồi mới triển khai đại trà nhưng SGK vẫn còn rất nhiều “sạn”, giáo viên (GV) vẫn lúng túng với phương pháp mới... Do vậy, nếu thay sách ngay trong năm tới thì sẽ duy ý chí, quan trọng nhất là việc GV phải có thời gian được tiếp cận, tìm hiểu kỹ về chương trình, SGK; họ phải được tập huấn bài bản, được dạy thử nghiệm trên các đối tượng học sinh (HS). Nhất là với tinh thần của chương trình mới, tác giả viết SGK sẽ tập huấn cho GV chọn bộ SGK của họ, rõ ràng cần thời gian nhiều hơn nữa khi mà sẽ có nhiều SGK lớp 1 cạnh tranh nhau.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng trước thời điểm này thì Bộ GD-ĐT đang quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội sớm hơn một chút và quyết tâm ấy là đáng ghi nhận bởi việc đổi mới chương trình, SGK cũng là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, trước khi ban hành nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK, thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 (bắt đầu với cấp tiểu học) thay vì năm học 2018 - 2019 như Nghị quyết 88 đã nêu thì Quốc hội cũng đã bàn thảo rất kỹ, giữa chất lượng và tiến độ thời gian thì cái mong muốn và đặt lên hàng đầu vẫn là đảm bảo chất lượng, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện thực hiện.
Ông Thắng cũng cho rằng, quy trình thực hiện chương trình, SGK mới sẽ phải có khâu áp dụng thử trước khi áp dụng đại trà. Nhưng quy mô và thời gian áp dụng thử đến đâu thì là chuyện còn phải bàn.
Ngổn ngang thiếu giáo viên, sĩ số quá đông
Bộn bề của đổi mới chương trình, SGK không chỉ vấn đề về quy trình viết SGK mà còn là ngổn ngang nỗi lo về việc thiếu GV, thiếu trường lớp. Những vấn đề không thể giải quyết trong khoảng thời gian ngắn.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT về tình trạng thừa, thiếu GV mới nhất (tính đến ngày 15.8), sau khi đã được giao thêm biên chế tuyển dụng, toàn quốc còn thiếu 75.989 GV. Trong đó, cấp tiểu học, cấp dự kiến sẽ đổi mới chương trình, SGK, cũng còn thiếu tới 18.953 GV… Việc thiếu GV đến thời điểm hiện nay vẫn là nỗi bức xúc rất lớn mà chưa có phương án giải quyết của các địa phương khi mà không những không được tuyển thêm, các địa phương còn phải giảm 10% biên chế hiện có.
Với khu vực thành thị, nhất là khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM lại nổi lên nỗi lo ngại về quá tải trường lớp. Ngay trong năm học này, tại Hà Nội, nhiều trường phải chấp nhận sĩ số lên tới hơn 60 HS/lớp.
Một GV dạy lớp 1 ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, việc chưa thay sách vào năm tới là cần thiết nhưng không nên chỉ tập trung thời gian đó cho biên soạn SGK mà cần trang bị cơ sở vật chất, xây trường, giảm sĩ số HS. GV này cho hay, dù chương trình và SGK có hay đến mấy mà một GV phải dạy hơn 60 HS/lớp như hiện nay cũng không thể nào thực hiện được đổi mới phương pháp.
Theo GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn toán mới, việc thực nghiệm chương trình của nhóm xây dựng chương trình môn toán ở 2 lớp sĩ số lên tới 65 HS/lớp ở Trường tiểu học Dịch Vọng B (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy GV quay như... chong chóng với mỗi giờ lên lớp nhưng chỉ đạt được yêu cầu ở mức chấp nhận được. Đáng lo ngại là những HS “đuối” trong lớp sẽ không được quan tâm đúng mức.
Từ những thực tế đó, nhiều chuyên gia khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên đều cho rằng, nếu Bộ cố “ép” tiến độ để đổi mới chương trình, SGK thì chắc chắn sẽ lặp lại “vết xe đổ” của lần đổi mới SGK hiện hành.
 
Dự thảo chương trình môn học sau 9 tháng vẫn là... dự thảo
Ngày 19.1, dự thảo chương trình các môn học/hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố để xin ý kiến góp ý của toàn xã hội. Sau 3 tháng, Bộ GD-ĐT đã nhận được trên 300 ý kiến góp ý từ các tổ chức, cá nhân.
Nếu như chương trình hiện hành chỉ thực hiện thực nghiệm sau khi có SGK thì lần này Bộ GD-ĐT quyết định thực nghiệm chính trên dự thảo chương trình môn học. Thời gian thực nghiệm trong vòng 1 tháng (từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4) với 6 tỉnh, TP đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước. Tổng số 48 trường được chọn thực nghiệm với khoảng 350 tiết dạy/lượt. Ngoài ra, Bộ còn tổ chức các hội nghị ở 3 miền lấy ý kiến của các sở GD-ĐT về chương trình mới.
Ngày 10.8, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp đóng góp ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông mới do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với nhiều góp ý cụ thể trước khi ban hành chương trình môn học dự kiến trong tháng 8 này. Đến thời điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, thông tin chương trình mới đã được trên 25 hội đồng thẩm định của các môn học đã thông qua, ban soạn thảo đang tổ chức khâu cuối cùng là biên tập kỹ thuật, sau đó chuyển sang cho Bộ GD-ĐT, nếu không còn vấn đề gì thì mới ban hành được. Hy vọng trong tháng 10 có thể ban hành được chương trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.