'Chúng ta vẫn bị động trong việc giữ người tài'

Hà Ánh
Hà Ánh
24/08/2018 19:22 GMT+7

Trên là một trong những ý kiến của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tại hội thảo cơ sở lý luận, phương pháp luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục Việt Nam.

Sáng 24.8, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức hội thảo cơ sở lý luận, phương pháp luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục Việt Nam. Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước tham dự.

Thạc sĩ Lý Thiên Trang, Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng nước ta đang có tình trạng mất cân đối rõ rệt về số lượng sinh viên ra và vào.

Thạc sĩ Trang cho biết theo thống kê của Cục đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT) thì có hơn 130.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Trong khi đó, người nước ngoài vào Việt Nam học tập chỉ có khoảng 20.000 người.

Đáng chú ý, trong số lưu học sinh này nhiều nhất là học sinh, sinh viên đến từ Lào với khoảng 12.000 (có tới 50% đi học theo diện học bổng Chính phủ và địa phương). Tiếp đến là sinh viên đến từ Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản nhưng chủ yếu vào học tiếng Việt hoặc trao đổi văn hóa.

Theo thạc sĩ Trang, có nhiều rào cản cho việc thu hút người nước ngoài đến Việt Nam học tập. “Chỉ riêng việc cấp thị thực cho sinh viên đến Việt Nam học tập đã không đơn giản, ngay cả việc tra cứu thông tin. Trong khi tìm thông tin đi học nước ngoài, quy trình xin thị thực rất rõ ràng”, bà Trang nói.

Bà Trang bổ sung: “Muốn thu hút sinh viên quốc tế mà không có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh thì không thể nào thu hút được. Ngay cả việc đăng tải thông tin đầy đủ trên website để sinh viên quốc tế tìm hiểu cũng chưa có...”. 

Liên quan vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, bày tỏ sự trăn trở về vấn đề gìn giữ nguồn nhân lực.

Ông Trân nói: “Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới buộc các quốc gia ký kết phải công nhận quyền di chuyển lao động. Hệ lụy trực tiếp là sự tranh giành tài năng toàn cầu, một thách thức đối với mọi quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển. Điều này đòi hỏi phải quan tâm tới khâu gìn giữ tài năng nhưng chúng ta vẫn đối phó, bị động”.

“Vấn đề làm sao giữ được tài năng và thu hút tài năng về lại cho đất nước cả số lượng và chất lượng, trước mắt và dài hạn. Đây là bài toán khó được đặt ra mà trong đó đào tạo ĐH có vai trò quan trọng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.