Chuyện chiếc máy chấm thi trắc nghiệm đầu tiên

01/01/2006 22:34 GMT+7

Trong một lần công tác cùng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (viết tắt là KT-CLGD) kiểm tra thi thử trắc nghiệm môn tiếng Anh tại Bắc Ninh, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy các cán bộ của Cục khệ nệ ôm theo chiếc máy tính và 1 thùng giấy khá to. Hỏi ra mới biết, các thầy giáo của Bắc Ninh "đòi" Cục KT-CLGD cho xem hình thù... cái máy chấm điểm trắc nghiệm.

Không đợi cuộc họp rút kinh nghiệm tổ chức thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ giữa Cục KT-CLGD với lãnh đạo Sở và các phòng giáo dục Bắc Ninh kết thúc, các thầy giáo ùa đến xem chiếc máy chấm điểm thi được chuyên gia máy tính Võ Tấn Quân rút ra từ chiếc hộp các-tông. Tò mò là lẽ đương nhiên vì thay thế hình thức thi tự luận bằng thi trắc nghiệm khách quan cũng đồng nghĩa với việc thay thế hoàn toàn quy trình chấm điểm thi. Người đã trực tiếp mang công nghệ máy chấm điểm trắc nghiệm về nước đầu tiên ở Việt Nam là thạc sĩ Võ Tấn Quân, tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1980, tốt nghiệp thạc sĩ về công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan năm 1990 và hiện là giảng viên khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Anh Võ Tấn Quân kể: "Cục trưởng Cục KT-CLGD Nguyễn An Ninh là người rất "mê" mô hình thi trắc nghiệm. Khi còn là Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, ông đã thuyết phục Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi tuyển sinh thí điểm bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan tại Trường ĐH Đà Lạt năm 1996. Khi ấy, Bộ còn dè dặt, nên trường phải tổ chức thi song song hai đề: trắc nghiệm và tự luận, thí sinh được chọn 1 trong 2 đề trắc nghiệm hoặc tự luận. Cũng may, hầu như có tới 70% học sinh đã chọn đề thi trắc nghiệm trong năm đó. Anh Nguyễn An Ninh nhờ tôi tư vấn phần kỹ thuật chấm thi và tìm mua một cái máy chấm trắc nghiệm. Thực ra lúc ấy tôi chưa hình dung được một cái máy trắc nghiệm nó có hình dạng như thế nào. Tôi vào internet, tìm kiếm nhiều nguồn và chỉ tìm được một nguồn mua duy nhất từ đại lý độc quyền máy chấm của Mỹ tại Thái Lan. ĐH Đà Lạt đã cử tôi qua Thái Lan "vác" về một chiếc máy chấm của Mỹ với giá khoảng trên 20.000 USD. Tôi mất thêm một ngày để được chuyển giao công nghệ: về vận hành máy, về lập trình bổ sung cho máy. Máy có ưu điểm là có thể chấm được 3.000 - 4.000 bài trong một giờ. Máy chỉ đưa ra dữ liệu, mình phải viết phần mềm bổ sung. Bước đầu tiên là phải thiết kế mẫu in Phiếu trả lời trắc nghiệm để học sinh đánh dấu. Đây là khâu rất quan trọng, mẫu in đòi hỏi độ chính xác cao nếu không máy sẽ không nhận biết được các ô thí sinh đã đánh dấu. Trở lại năm 1996, tôi và anh Ninh lặn lội tìm đến rất nhiều nhà in nhưng họ đều không dám nhận đặt hàng do không có giấy in đặc chủng hoặc không bảo đảm độ chính xác, cuối cùng cũng tìm được Nhà in bản đồ Đà Lạt. Nhưng để bảo đảm "an toàn" cho kỳ thi tuyển sinh bằng phương pháp trắc nghiệm đầu tiên, Trường ĐH Đà Lạt đã đặt in Phiếu trả lời trắc nghiệm tại Thái Lan với giá thành đặt in cao gấp 3 trong nước nhưng đảm bảo chính xác tuyệt đối. Ngoài ra còn phải viết các phần mềm để nhận dạng số báo danh, mã đề, đáp án câu hỏi, chương trình chấm điểm xác định các phương án thí sinh đưa ra có đúng với đáp án không. Điều đáng nói ở đây là một kết quả khách quan, đánh giá đúng khả năng của thí sinh và cho kết quả nhanh chóng, tiết kiệm".

Theo chuyên gia Võ Tấn Quân, thiết kế phần mềm cho một kỳ thi trắc nghiệm khách quan bao gồm các phân hệ: phân hệ quản lý ngân hàng câu hỏi, phân hệ chọn đề thi và hoán vị đề thi, phân hệ quản lý danh sách thí sinh, phân hệ quét bài làm của thí sinh và phân hệ chấm điểm. Nhờ có các chương trình phần mềm hỗ trợ và nhờ chấm bằng máy quét tốc độ cao nên toàn bộ quy trình tổ chức đều được thực hiện rất nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Con người chỉ là tham gia ở công đoạn kỹ thuật (quét bài, chạy các phần mềm...) nên được hiểu là rất "khách quan". Ngoài ra, để tránh thiệt thòi cho thí sinh, anh Quân và các cộng sự còn thiết kế cả những đoạn chương trình để nhận dạng và hiệu chỉnh các trường hợp thí sinh tô sai số báo danh, tô sai mã đề (có thể do lúng túng hoặc thiếu cẩn thận...), để bài thi của các thí sinh này vẫn được chấm bình thường.

Ngoài phần chấm thi, phương pháp thi trắc nghiệm còn cho kết quả thống kê, phân tích rất chính xác, đây mới là phần khá quan trọng của thi trắc nghiệm mà thi tự luận khó có thể làm được. Dựa trên kết quả bài thi của thí sinh, máy chấm có thể cho biết chất lượng học tập của từng mảng kiến thức của học sinh từng vùng, miền hoặc từng trường, do vậy có thể biết chính xác học sinh của một trường nào đó đang yếu mảng kiến thức gì. Với những ưu điểm của phương pháp thi trắc nghiệm, theo anh Quân, Bộ nên có chủ trương khuyến thi trắc nghiệm đại trà cho các kỳ thi học kỳ. Cục KT-CLGD có thể hỗ trợ một phần hoặc cấp phần mềm miễn phí cho các trường. Qua phân tích của dữ liệu chấm thi, mỗi giáo viên và nhà trường sẽ biết được chất lượng dạy và học cần phải điều chỉnh cái gì cho học kỳ sau.

Trong những ngày Cục KT-CLGD tổ chức các đợt thi thử trắc nghiệm, Võ Tấn Quân như con thoi giữa Hà Nội và TP.HCM, rồi lại thấy anh ở lỳ Hà Nội hàng tuần lễ để hoàn chỉnh nốt công đoạn cuối cùng là thiết kế phần bảo mật cho ngân hàng đề. Đây là công việc hết sức khó khăn - như anh nói - với ngân hàng câu hỏi cấp quốc gia, việc bảo mật là một khâu rất quan trọng, cần xử lý thật tốt và cần phải có biện pháp kỹ thuật tin cậy. Theo tiết lộ của anh Quân, kỹ thuật xây dựng phần mềm cho ngân hàng đề chủ yếu dựa vào công nghệ bảo mật bằng phần mềm đã được phổ biến rộng rãi tại các nước tiên tiến, kết hợp với một số công nghệ bảo mật bằng phần cứng vừa được sản xuất trong nước.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.