Cô gái thủ khoa nghèo mong 'mang tin tốt lành đến mọi người'

08/08/2016 07:48 GMT+7

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016, Nguyễn Thị Kim Phượng (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã khiến nhiều người nể phục khi đạt 26,25 điểm và trở thành thủ khoa khối C của Bình Định (văn: 9, sử: 8,25, địa: 9).

Học để thoát nghèo
Phượng có thân hình nhỏ nhắn với cân nặng chỉ 39 kg và giọng nói đặc sệt phương ngữ ở vùng quê nghèo Phù Mỹ. Với cô học trò nhỏ này, việc học tốt không chỉ để đáp ứng yêu cầu khi nhập học trường chuyên mà còn là hy vọng duy nhất để Phượng và gia đình có thể thoát được cảnh nghèo túng, khổ nhọc. Nhà Phượng ở xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, cách TP.Quy Nhơn hơn 60 km. Ba mẹ Phượng không có gì ngoài mấy sào ruộng khô hạn thường xuyên và 4 đứa con tuổi ăn học. Sống cùng gia đình là bà nội già yếu hay đau bệnh.
Để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, ba mẹ Phượng làm thêm nghề tráng bánh đủ loại từ bánh gạo, bánh mì, bánh tráng nước dừa… rồi xoay thêm đi làm thuê làm mướn khi mùa vụ nông nhàn. Mãi mà gia đình chưa thoát được hộ nghèo. Phượng bùi ngùi chia sẻ: “Em thấy ba mẹ đi làm cực khổ quá, nhiều khi trời hạn không có nước thì phải đi cứu lúa cả đêm lẫn ngày chứ không là đói cả nhà. Có lúc, cả nhà quây quầy ăn một trái mít rồi luộc hột mít chấm muối ăn trừ bữa. Nếu em không học thì không có cách nào để thoát được cảnh khổ đó và không giúp gì được cho ba mẹ, không lo được cho hai em còn nhỏ”.

Vậy là Phượng lao đầu vào học, miệt mài, say mê. Thầy Trần Hà Nam, giáo viên dạy văn và chủ nhiệm lớp của Phượng, nhận xét về cô học trò cưng: “Phượng là học sinh rất chăm chỉ, chịu khó và luôn nỗ lực. Thương cô học trò nghèo hơn qua những bài văn viết rất mượt mà, có cảm xúc và suy nghĩ rất riêng!”.
Với Nguyễn Thị Kim Phượng, cả 3 môn văn, sử, địa đều rất hấp dẫn bởi càng học càng biết được nhiều câu chuyện thú vị của đất nước. Với môn lịch sử, Phượng thích cách phân tích sự kiện của thầy giáo nên học đâu nhớ đó, chưa nhớ thì phân loại sự kiện từ lớn tới nhỏ để học cho có hệ thống. Ở môn địa lý, Phượng học bằng sự khám phá và yêu thích cái mới, nhất là những hiểu biết về những vùng đất khác nơi mình sinh sống… Còn môn văn thì đã từ lâu là tình yêu lớn của cô học trò nghèo. Phượng chia sẻ: “Bí quyết quan trọng nhất của em là trong quá trình học phải ghi chép nhiều, cụ thể, kể cả những suy nghĩ bất chợt thoáng qua. Việc làm này sẽ giúp mình ghi nhớ sâu và hình dung cụ thể hơn về bài học đó, nó còn rèn khả năng viết, khả năng trình bày khi đi thi”.

Mong trở thành nhà báo giỏi
Khi nghe hỏi đến nghề nghiệp mong muốn theo đuổi, ánh mắt cô gái trẻ như sáng lên lấp lánh: “Em muốn trở thành một nhà báo giỏi. Mọi người hay nói, làm báo khổ lắm, nhất là nữ nữa, nhưng em lại thấy cái nghề đó hấp dẫn vô cùng. Em mong muốn được trở thành một người đưa tin năng động và giỏi giang như nhiều anh chị làm phóng viên khác. Em cũng mong, từ công việc ấy, mình có thể đem lại những tin tốt lành cho nhiều người và giúp được họ. Còn khổ hay không, đúng hay sai thì cũng phải trải nghiệm mới biết. Với em, đây là nghề đòi hỏi năng lực thật sự”.

Phượng kể, tuổi thơ em chỉ loanh quanh ở nhà, ra ruộng phụ ba mẹ hay chăn thả bò, làm những công việc như bất cứ một đứa con nhà nông nào. Những lúc đó, Phượng đã nghĩ sau này mình sẽ làm nghề gì đó để đi được đây đó, được biết nhiều nơi. Lớn hơn chút, vào thành phố trọ học, Phượng được tiếp thu với môi trường mới, nhiều thông tin và sống động hơn hẳn ở vùng quê êm đềm. Ước mong trở thành một nhà báo đến từ những trang báo mà Phượng đọc được.
Sắp tới, Phượng dự định sẽ đăng ký nộp hồ sơ vào Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM để được học và làm quen với nghề báo mà nói như Phượng là “em đã chạm tay vào ước mơ của mình được rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.