Cô gái Việt chinh phục giấc mơ dạy học ở Ai Cập

09/03/2017 14:01 GMT+7

Đang có công việc ổn định tại một trường tiểu học, Lê Phương Thảo (sinh năm 1993, cựu sinh viên ĐH Hà Nội) đã quyết định tạm dừng công việc và nộp đơn vào trường quốc tế tại Ai Cập.

Với lựa chọn khác biệt, Phương Thảo mong muốn tìm hiểu nền giáo dục mới tại một quốc gia khác, khám phá bản thân và có thêm kinh nghiệm giảng dạy.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Tốt nghiệp với tấm bằng sư phạm tiếng Anh loại giỏi, Phương Thảo đảm nhận công việc giảng dạy tại Trường tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Trong quá trình làm việc, Phương Thảo nhận thấy bản thân còn quá trẻ và mong muốn khám phá bản thân nhiều hơn. Sau hai năm giảng dạy, cô gái tạm dừng công việc để tìm cơ hội thực tập, giảng dạy tại nước ngoài.
Thông qua tổ chức AIESEC của ĐH Ngoại thương Hà Nội, Phương Thảo nộp đơn ứng tuyển vào trường liên cấp Alpha Language School (Cairo, Ai Cập). Cô đã trải qua nhiều vòng xét duyệt, nộp hồ sơ, phỏng vấn và cuối cùng được trường lựa chọn theo chương trình thực tập giảng dạy 9 tháng có trả lương.
Cô gái việt chinh phục giâc mơ dạy học ở Ai Cập 1
Phương Thảo và các học sinh tại đất nước bản địa
Cô gái việt chinh phục giâc mơ dạy học ở Ai Cập 2
Cô luôn nhận được tình cảm từ những cái ôm, hôn má thân thiện từ các bạn học sinh
Ban đầu, Phương Thảo đưa ra quyết định ra nước ngoài giảng dạy và không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Ba mẹ khuyên cô bạn nên tiếp tục công việc với mức thu nhập ổn định ở trường tiểu học. “Sau gần một năm, mình luôn cố gắng để chứng tỏ cho ba mẹ thấy năng lực của mình, và khi mình nhận được thông báo trúng tuyển, gia đình đã vui vẻ ủng hộ mình. Mình muốn bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá bản thân và thực hiện những mục tiêu kế tiếp”, cô gái 9X cho biết.
Khi đến Ai Cập, Phương Thảo có hai tuần đứng lớp dạy thử, học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô bản địa. Với kinh nghiệm sư phạm sẵn có cộng với năng lực bản thân, cô được trường chọn là giáo viên đứng lớp chính. Tại trường, Phương Thảo phụ trách giảng dạy các môn học về: Khoa học, kỹ năng nghe tiếng Anh và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh mầm non và các lớp tiểu học. Những ngày đầu giảng dạy, Phương Thảo luôn nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô, ban giám hiệu và tình cảm của những người bạn đồng nghiệp. Ngôi trường mà cô gái giảng dạy là trường dạy ngôn ngữ, vì thế, cô tự tin sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với học sinh và lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với các em.
Cô gái việt chinh phục giâc mơ dạy học ở Ai Cập 3
Phương Thảo (hàng thứ 2, bìa trái) cùng đồng nghiệp quốc tế tổ chức lễ Giáng sinh
Cô gái việt chinh phục giâc mơ dạy học ở Ai Cập 4
Ngoài công việc giảng dạy, Phương Thảo thích khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới
Phần thưởng từ những học sinh
Những ngày đầu nhận lớp, cô gái bắt đầu làm quen và giới thiệu văn hóa Việt Nam với các bạn học sinh bản địa. Sau một tuần, Phương Thảo bước vào lớp và bất ngờ khi nghe các em vui vẻ nói câu “Xin chào" hay "Tạm biệt” bằng tiếng Việt. Trước khi đến lớp, cô thường soạn bài, làm đồ dùng dạy học như: những chiếc mũ hadmade, những con rối nhiều màu sắc… để minh họa bài học cuốn hút hơn.
“Với mình, việc dạy học là một quá trình sáng tạo và đầy thú vị. Học sinh là những “nhà đánh giá” khắt khe nhất. Nếu mình không có một bài giảng hấp dẫn, học sinh sẽ dễ dàng mất tập trung”, Phương Thảo nói.

Thảo kể rằng, điều khác biệt ở trường bản địa so với các ngôi trường ở Việt Nam là không có cuộc thi sắp xếp ngẫu nhiên các lớp với nhau. Nhà trường thường tổ chức các dự án lớn theo từng khối. Học sinh sẽ tìm hiểu một vấn đề nào đó và sáng tạo ra những sản phẩm theo từng chủ đề như: Green Day, Culture Day, Fun Day… Giờ lên lớp, khi học sinh mắc lỗi, giáo viên không được dùng hình phạt hay mắng mỏ. Học sinh sẽ có thời gian nghỉ “time out” và giáo viên sẽ chỉ dẫn, phân tích cho các em hiểu rõ lỗi sai.
Cô gái việt chinh phục giâc mơ dạy học ở Ai Cập 5
Thảo luôn hòa đồng và nhận được tình yêu mến từ các em học sinh
Đối với Phương Thảo, họp phụ huynh là trải nghiệm mới mẻ. Từng phụ huynh sẽ trò chuyện trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Thảo đảm nhận lớp học với 20 học sinh. Số lượng học sinh không quá đông nên cô dễ dàng quan sát, hiểu tính cách và giảng dạy các em hiệu quả hơn. Điều ấn tượng là Phương Thảo rất cảm động trước tình cảm của các em học sinh. “Kết thúc tiết học với bài giảng thú vị, các em thường chạy đến ôm hôn mình và nói “Thank you. I love you so much!”. Đối với mình, sự yêu mến từ các em học sinh là phần thưởng to lớn, giúp mình có thêm động lực tiếp tục công việc”, cô gái tâm sự.
Sinh sống và làm việc tại đất nước bản địa, cô rất thích thú với món Shawarma. Phương Thảo cho biết Shawarma cũng có nét giống bánh mì kẹp thịt Việt Nam. Vỏ bánh được làm rất mỏng, có độ dai dai. Nhân bên trong là thịt gà hoặc thịt bò kèm theo củ rau chua cay và nước sốt.

“Ngoài công việc giảng dạy, mình dành thời gian đi khám phá vẻ đẹp của những lăng mộ huyền bí, đến ngôi làng Nobian nuôi cá sấu làm thú cưng. Hay Phương Thảo cùng tham gia với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tổ chức các chương trình giới thiệu văn hóa đặc sắc…
Những trải nghiệm ở Ai Cập giúp Phương Thảo trở nên trưởng thành hơn. Cô được tiếp xúc với môi trường làm việc quốc tế, kết thân với những người bạn quốc tế để mở rộng kiến thức, tầm nhìn. “Mình sẽ cố gắng học hỏi nhiều hơn để đạt được những mục tiêu tiếp theo và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Với mục tiêu là công dân toàn cầu, mình rất háo hức để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm cho những chuyến hành trình khám phá thế giới tiếp theo trong tương lai”, cô gái thổ lộ.

tin liên quan

Cô gái 9X mở lớp hùng biện miễn phí
'Với mình, hùng biện là cách chúng ta thể hiện những suy nghĩ của bản thân và thuyết phục mọi người tin vào điều đó', Lê Khánh Linh (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.