Có nên đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp?

Hà Ánh
Hà Ánh
24/09/2018 19:27 GMT+7

Trong khi Việt Nam hiện chỉ có tiến sĩ định hướng nghiên cứu thì việc ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến triển khai chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

ĐH Quốc gia TP.HCM đang nghiên cứu triển khai Đề án thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp (Professional Doctorate - PD) với 2 ngành: quản trị kinh doanh (Doctor of Business Administration - DBA) và quản lý giáo dục (Doctor of Education - EdD).

Theo PGS-TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Đào tạo sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện thế giới có 5 hình thức đào tạo tiến sĩ cùng với 2 cách ghi trên văn bằng gồm: tiến sĩ nghiên cứu và tiến sĩ ứng dụng. Nhưng ở Việt Nam hiện chỉ có chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng nghiên cứu.

Thay vì học tiến sĩ để làm nghiên cứu hoặc giảng dạy, người theo chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng sử dụng tri thức để ứng dụng cho công việc, nghề nghiệp.

‘Cần thiết nhưng phải chất lượng’

PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng chương trình đào tạo tiến sĩ theo định hướng ứng dụng không chỉ nên mà còn rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.

Lý giải điều này, theo PGS-TS Hướng việc nghiên cứu lý thuyết thôi chưa đủ mà còn cần thiết để đưa những đề tài ứng dụng vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

“Vấn đề đặt ra là cần đảm bảo để chương trình triển khai chất lượng. Muốn vậy đơn vị đào tạo cần đặt ra khung quy định được thế giới thừa nhận. Dù theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng thì người được gọi tiến sĩ cần có những nghiên cứu được thế giới thừa nhận bằng các công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín”, ông Hướng nói.

Phát biểu tại hội thảo thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 22.9, PGS-TS Nguyễn Minh Kiều, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Mở TP.HCM nhìn nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam nói chung là thấp. Đặc biệt là chưa đạt yêu cầu nghiên cứu lý thuyết. “Nhiều khi nghiên cứu sinh nghĩ hoài không ra được vấn đề mới nên làm lại và có nâng cấp đề tài bậc thạc sĩ. Và như vậy hóa ra 1 luận án tiến sĩ bằng 3 luận văn thạc sĩ sao?”, ông Kiều đặt vấn đề.

Theo ông Kiều, Bộ GD-ĐT hiện đã có quy định yêu cầu cao hơn với người học chương trình này như trình độ ngoại ngữ, công bố quốc tế. Vì vậy số người theo học giảm hẳn và chỉ còn những người trong giới học thuật mới dám đeo đuổi.

“Vậy những người muốn học tiến sĩ nhưng không theo hướng nghiên cứu thì đi về đâu? Chương trình đào tạo tiến sĩ theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp này ra đời là rất kịp thời và nên làm ngay”, ông Kiều đề xuất.

‘Nên chọn người học không vì bằng cấp’

Bên cạnh những ý kiến tán đồng thì một số người tỏ ra lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ nếu không có sự chuẩn hóa đầu ra.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng tiến sĩ là trình độ cao nhất về mặt học thuật. Tiến sĩ phải nghiên cứu ra cái mới có tính chất quy luật, phổ biến và có khả năng ứng dụng rộng rãi. Nếu theo cách hiểu này thì người sử dụng tri thức ứng dụng cho nghề nghiệp cụ thể chỉ cần đến trình độ thạc sĩ ứng dụng.

Cũng theo ông Tống, đặc biệt là trong bối cảnh “bệnh bằng cấp” nặng như hiện nay, chương trình nếu được tổ chức không tốt có thể sẽ là cách đối phó để hợp thức hóa những người muốn có bằng tiến sĩ nhưng khả năng nghiên cứu hạn chế.

“Trình độ đào tạo tiến sĩ trong nước hiện thấp. Nếu thêm loại hình tiến sĩ định hướng ứng dụng thì trình độ tiến sĩ có thể còn thấp hơn nữa”, ông Tống lo ngại.

GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế-luật, nói tại hội thảo: “Nhận thức xã hội Việt Nam trước nay đi theo bằng cấp mà không nghĩ đến phục vụ công việc. Vì vậy khi mở đào tạo chương trình này, ĐH Quốc gia TP.HCM nên chọn người đi học vì công việc chứ không phải bằng cấp. Nếu thí điểm thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng để làm thay đổi nhận thức xã hội về loại hình đào tạo này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.