Có thực hiện được độ khó như nhau trong mỗi đề trắc nghiệm?

02/03/2017 09:30 GMT+7

Thay đổi quan trọng đối với việc ra đề trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là trong một phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có một đề thi hoàn toàn khác nhau với độ khó tương đương.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mỗi đề thi có độ khó tương đương chỉ là lý thuyết.
Khó đảm bảo sự công bằng cho mọi thí sinh
Từ kinh nghiệm của một người làm đề thi ở cấp trường, hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cho rằng giáo viên thường bảo với nhau, thôi thì “học tài thi phận”, may thì nhận được đề thi đúng với năng lực, sở trường của mình và ngược lại…
Trưởng phòng Khảo thí một sở GD-ĐT phía bắc nhấn mạnh: “Mong muốn chủ quan là thiết kế được tất cả các đề thi có độ khó dễ giống nhau nhưng kiến thức khó dễ thì không thể nào tuyệt đối hóa được việc đó”.
GS Hà Huy Bằng, Khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, nêu quan điểm: “Có những tiêu chí nào để cho rằng 2 đề thi, hoặc 2 bài tập, có độ khó ngang nhau? Câu trả lời là không. Vì thế nếu mỗi thí sinh một đề thì khó mà đảm bảo sự công bằng cho tất cả các em”.
Theo GS Bằng, 2 người bắt được 2 câu hỏi khác nhau thì việc đánh giá tự nhiên nó sẽ khác, lúc đó sẽ là lúc sự may rủi được can thiệp vào việc đánh giá. Ví dụ trong bóng đá chẳng hạn, cùng là đội tuyển VN nhưng đá với 2 đội cùng xếp hạng FIFA như nhau mà bảo là từ đó sẽ có đánh giá giống nhau là khó. Cũng thế, mỗi câu hỏi tuy mức độ từa tựa nhau, nhưng chắc chắn với từng người sẽ có độ khó khác nhau.

tin liên quan

Đề thi thử nghiệm có ra ngoài chương trình?
'Thực sự rất khó phát biểu các bài toán thực tế mà lại bó khung trong một mảng kiến thức. Bài toán thực tế, bên cạnh nội dung toán học chính còn cần đến những kiến thức thường thức phổ thông khác...'
GS Hà Huy Bằng nêu ví dụ cụ thể: "Phải cả hai thí sinh cùng làm một câu, hoặc một đề, thì mới có thể so sánh được ai hơn ai (theo mục tiêu mà người ra đề muốn so sánh). Giờ đề thi khác nhau, lại bảo nó như nhau, là rất khó. Với môn sử chẳng hạn, một câu hỏi về thời Lê, một câu hỏi về thời Nguyễn, từ góc độ của người dạy học thì thấy đó là hai câu hỏi từa tựa nhau, nhưng với cùng một thí sinh gặp câu này có thể được 10, gặp câu kia có thể chỉ được 0 điểm, thế thì làm sao nói được đó là hai câu có mức độ khó tương đương để đánh giá hai thí sinh khác nhau? Như vậy, không có một lý thuyết nào đưa ra được các tiêu chí để đánh giá hai câu hỏi là có cùng một độ khó như nhau. Với một tổ hợp câu thì càng phức tạp nữa".
Phải có ngân hàng câu hỏi rất lớn
Theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, về thuật ngữ khoa học, không nói đề thi có độ khó tương đương mà là câu hỏi có độ khó tương đương. Việc tạo các đề có hàm thông tin trùng nhau là rất khó, đòi hỏi phải có ngân hàng câu hỏi rất lớn. Bộ GD-ĐT có tạo được ngân hàng câu hỏi đủ lớn để tạo ra rất nhiều đề có hàm thông tin trùng nhau hay không? Nhưng không thể tính toán máy móc rằng cần 24 đề, mỗi đề có 50 câu hỏi, nên chỉ cần 1.200 câu hỏi là đủ. Theo GS Thiệp, ai làm đề cũng phải làm ma trận rồi từ đó xây dựng đề thi. Nhưng ma trận chỉ giúp người làm đề đảm bảo được nội dung của câu hỏi theo mục tiêu mong muốn chứ không đảm bảo được các tham số, trong đó có độ khó của câu hỏi cũng như những đề thi có hàm lượng thông tin bằng nhau.

tin liên quan

Lưu ý ôn tập bài thi khoa học tự nhiên
 Theo thăm dò ban đầu của các trường THPT, có đến hơn 80% học sinh lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. 
 
Có cần thiết mỗi thí sinh một đề thi khác nhau?
Theo GS Hà Huy Bằng, Bộ GD-ĐT chỉ cần ra một đề, rồi đảo câu, tráo đáp án, thì không ai tranh cãi về độ khó tương đương. Còn đã là 2 đề với nội dung câu hỏi khác nhau thì khó nói 2 đề đó có độ khó như nhau được.
Cùng quan điểm, GS Lâm Quang Thiệp cũng đặt câu hỏi: "Tại sao lại phải mỗi thí sinh một đề? Cứ làm đơn giản như trước kia, tức chỉ cần làm một đề thôi. Trước kia từ một đề đảo câu, đảo phương án thành 6 đề tương đương, thực chất là một đề và Bộ GD-ĐT chỉ cần công bố một đề. Giờ họ chỉ cần đảo câu, đảo phương án thành 24 đề tương đương, và bản chất vẫn chỉ là một đề. Như vậy thí sinh sẽ yên tâm hơn, vì tất cả các em chỉ làm cùng một đề".
Lý giải để tránh thí sinh quay cóp bài, GS Lâm Quang Thiệp khẳng định: “Nếu việc coi thi thực hiện đúng quy chế thì cách làm trên cũng đã chắc chắn thí sinh không quay cóp được. Còn nếu gian lận có tổ chức, có sự móc ngoặc giữa thí sinh và người coi thi, thì dẫu một phòng thi có đến 24 đề cũng chẳng để làm gì", GS Thiệp nói.
Sẽ giải bằng thuật toán?
PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ VN, cho biết theo quy trình làm đề thi hiện đại, Bộ GD-ĐT phải xây dựng ma trận đề thi chung, mỗi môn học với mỗi kỳ thi sẽ lại có ma trận đề thi riêng. Khi xây dựng ma trận, nhóm chuyên gia sẽ xác định số lượng câu hỏi cho một đề thi, mức độ khó (dễ, hơi dễ, hơi khó, khó, rất khó) của đề. Người viết câu hỏi sẽ dựa vào ma trận để quyết định hỏi kiến thức gì, ở phần nào, bao nhiêu câu hỏi. Dựa vào từng mục của chương trình mà học sinh đã được học, họ sẽ soạn ra nhiều câu hỏi để đo cùng mảng kiến thức đó nhưng ở dưới hình thức nhiều câu hỏi khác nhau.
Sau khi đã soạn xong câu hỏi cho một chương (hoặc một phần, một môn), nhóm giáo viên làm đề thi của từng môn đó sẽ ngồi cùng nhau để phân tích từng câu hỏi và xem độ khó của chúng đã tương đương nhau chưa. Đây là bước phân tích định tính, dựa vào đánh giá chủ quan của cá nhân thầy cô. Bước tiếp theo là đem câu hỏi để thử nghiệm trực tiếp với người học. Sau bước thử nghiệm, sẽ có một nhóm chuyên gia khác nhập câu hỏi vào phần mềm chuyên dụng để đánh giá độ khó dễ và độ tin cậy từng câu hỏi. Phần mềm VN đang dùng hiện nay được xây dựng dựa theo mô hình toán học của Rasch. Sau khi chạy phần mềm, các chuyên gia căn cứ vào các con số để “đọc” ra được những câu hỏi nào nên bỏ. Độ khó, độ dễ của các câu hỏi được đo bằng một công cụ có tên gọi là thang logit.
Căn cứ vào kết quả phân tích của phần mềm, người tạo đề thi lựa chọn các câu hỏi đo cùng độ khó dễ, cùng kiến thức kỹ năng cho vào một ô (tức là một cái kho). Mỗi ô sẽ chứa rất nhiều câu hỏi có cùng độ khó. Khi làm đề, phần mềm sẽ nhặt ra mỗi ô từ một đến một số câu hỏi theo phương pháp ngẫu nhiên, theo công thức mà ban ra đề đưa ra. Từ đó máy sẽ cho ra một loạt đề với độ khó tương đương nhau. Như vậy độ khó của đề không phải được áp đặt bởi ý muốn chủ quan của con người mà đã được mô hình hóa bằng thuật toán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.