Rèn luyện cho người học phương pháp tự học là một trong những mục tiêu giáo dục VN cần hướng tới. Phương tiện hữu hiệu có thể giúp học sinh nâng cao năng lực tự học là tận dụng công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều giáo viên và học sinh vẫn chưa hiểu đúng về điều này.
Rất nhiều người nghĩ rằng sử dụng một cái máy tính, máy chiếu, thậm chí có bảng tương tác hay máy tính bảng là đã tận dụng CNTT vào việc dạy và học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Ông Bùi Minh Đức, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cho rằng sự gia tăng chóng mặt của tri thức nhân loại, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ… càng có cơ sở để khẳng định: không một nhà trường nào có thể trang bị đủ những tri thức vào đời cho một học sinh (HS). Số tiết học có tăng lên bao nhiêu cũng không thể đuổi kịp tốc độ phát triển của tri thức hiện đại. Do vậy, theo ông Đức, trường học phải làm thế nào để HS biết cách tìm kiếm tri thức và xử lý thông tin chứ không thụ động chờ người khác mang thông tin đến cho mình. Giáo viên nên tận dụng công nghệ thông tin (CNTT) như một trong những phương tiện hữu hiệu để có thể rèn luyện cho HS phương pháp tự đọc, tự học. Thế nhưng việc áp dụng CNTT đang diễn ra trái ngược nhau trong các trường học.
Từ “đọc - chép” thành “chiếu - chép” là ứng dụng công nghệ !
Khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều giáo viên và HS hiểu rằng đưa vào máy tính bảng, có bảng tương tác nghĩa là áp dụng CNTT. Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.5 (TP.HCM) còn cho biết nhiều giáo viên nghĩ rằng ngày trước giáo viên đọc - chép, bây giờ chuyển sang hình thức chiếu - chép là ứng dụng công nghệ. Vị này nhấn mạnh: “Có một thực tế là nhiều giáo viên hiện nay nghĩ rằng cứ dùng bảng tương tác trình chiếu cho HS chép bài, đó là ứng dụng CNTT”.
|
Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của một trường THCS tại Q.Tân Phú (TP.HCM) kể: “Có giáo viên đến giờ cũng vẫn chỉ dùng máy tính là công cụ để gõ văn bản kết hợp cùng các phần mềm có chức năng cơ bản như power point vào mục đích trình chiếu bài giảng. Ngoài ra, có thêm động tác kết nối internet để sưu tầm những đoạn phim hay hình ảnh cung cấp thêm cho HS mà thôi”.
Thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu
Để HS có thể tự học cũng cần có những nền tảng cần thiết về nguồn dữ liệu mở, sự kết nối, chia sẻ các nguồn dữ liệu... Tuy nhiên, điều này là một hạn chế trong nhà trường hiện nay.
Ông Trần Đăng Quang, giáo viên Trường THCS Hoàng Lê Kha (Q.6, TP.HCM), nhìn nhận: “Trên website của trường có danh mục tài nguyên. Tuy nhiên, chỉ mới dừng lại ở mức độ chia sẻ bài giảng của giáo viên cùng một số dạng bài tập để tham khảo chứ thực sự chưa tạo nguồn thông tin đa dạng, phong phú phục vụ cho nhu cầu của HS”. H.Ngân, HS một trường THCS có tiếng tại Q.1 thường tìm kiếm thông tin phục vụ cho bài học của mình bằng cách tra cứu qua Google. Theo H.Ngân, thông tin trên mạng rất phong phú nhưng để kiểm chứng độ chính xác thì phải tra cứu thêm nhưng website của trường chỉ có các bài giảng của giáo viên để khi cần HS có thể chép lại. Còn không thấy Bộ hay Sở có trang dữ liệu mở để HS có thể tìm kiếm thông tin liên quan.
Hiện nay, để trao đổi, chia sẻ tài nguyên với nhau, giáo viên chỉ sử dụng hộp thư điện tử. Theo ông Nguyễn Hồ Trung, Tổ trưởng chuyên môn Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM), công cụ này làm hạn chế khả năng chia sẻ, kết nối do các hộp thư điện tử chỉ có thể tải dữ liệu có dung lượng khoảng 25 Mb. Trong khi đó rất nhiều giáo viên và HS chưa biết tận dụng Google Drive để chia sẻ những tập tin có dung lượng cao gấp 20 lần.
|
Bà Huỳnh Bảo Thiên, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, người được Microsoft công nhận là một trong 10 chuyên gia giáo dục tại VN, cho rằng công nghệ làm thay đổi phương pháp. Chỉ cần một tài khoản Gmail, giáo viên cũng như HS có thể ứng dụng tính năng của Google Drive để chia sẻ và làm việc nhóm hoặc phân quyền công việc, tạo mẫu khảo sát online… tùy theo yêu cầu, mục đích của công việc.
Chưa khai thác hết các tiện ích
Ở nhiều trường ĐH, CĐ hiện vẫn phổ biến tình trạng đọc - chép. Sinh viên những ngành như: kế toán, tài chính ngân hàng, CNTT mà sử dụng những chương trình, phần mềm lạc hậu, không sử dụng phần mềm mô phỏng phù hợp với tình hình thực tế để thực hành. Nhiều giảng viên ngại đưa vào những phương pháp mới, ngại thay đổi nên cũng không mặn mà với việc ứng dụng CNTT.
Nhiều trường ĐH như: Bách khoa TP.HCM, Hoa Sen, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Luật TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM... đã phủ sóng wifi toàn trường. Nhưng ngược lại, ở một số trường điều đơn giản này vẫn bị hạn chế.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, wifi hiện chỉ được trang bị miễn phí riêng khu vực thư viện và nhà ăn. Các khu vực khác trong khuôn viên trường, sinh viên muốn sử dụng cần phải đóng tiền theo các gói thuê bao khác nhau: trọn gói, 12 tiếng mỗi ngày... Giải thích việc này, một cán bộ nhà trường cho biết: “Khuôn viên toàn trường rất rộng nên trường không đủ kinh phí để cung cấp miễn phí cho sinh viên”.
Thay vì sử dụng thẻ sinh viên đa năng tích hợp, vẫn có những trường sử dụng thẻ đơn chức năng. P.N.T, sinh viên một trường ĐH lớn tại TP.HCM, nói: “Trong khi ở nhiều trường khác, sinh viên rất thuận tiện trong sinh hoạt và học tập tại trường nhờ thẻ đa năng tích hợp thì trường em vẫn dùng mỗi thẻ một chức năng. Chẳng hạn, thẻ thư viện chỉ để vào thư viện, thẻ gửi xe dùng riêng một loại, còn thẻ sinh viên chỉ đơn giản để chứng minh bản thân sinh viên đó…”.
Ngày nay hầu hết các trường ĐH, CĐ khi đào tạo tín chỉ đều cấp cho sinh viên một tài khoản với mật khẩu riêng. Nhưng rất nhiều trường, sinh viên chỉ dùng tài khoản này để đăng ký môn học, xem điểm thi và thời khóa biểu.
Bình luận (0)