(TNO) Em xin hỏi Trường ĐH Kinh tế - Luật đào tạo những chuyên ngành nào? Theo em biết thì sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên mới chỉ là cử nhân luật, chưa phải là luật sư. Vậy thì cử nhân luật sẽ làm những công việc gì và ở đâu? (Vũ Thu Lan, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Hóc Môn, TP.HCM)
- Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM: Trường hiện đang đào tạo các ngành sau: kinh tế (chuyên ngành kinh tế học, kinh tế và quản lý công), kinh tế quốc tế (kinh tế đối ngoại), tài chính ngân hàng, kiểm toán, hệ thống thông tin quản lý, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, luật kinh tế (chuyên ngành luật kinh doanh, luật thương mại quốc tế, luật tài chính - ngân hàng - chứng khoán), luật dân sự.
Sau khi tốt nghiệp các ngành luật (thời gian 4 năm), sinh viên sẽ nhận được bằng cử nhân luật theo ngành đã học; sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty tư vấn luật; phòng tổ chức hành chính, phòng pháp chế tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, các bạn còn có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân từ cấp T.Ư đến địa phương; nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu...
Để chính thức trở thành luật sư, cử nhân luật cần hoàn thành khóa đào tạo luật sư (12 tháng), tập sự hành nghề luật sư tại đoàn luật sư (12 tháng) và phải được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định.
* Ở phía nam, có những trường đại học nào đào tạo ngành dược ngoài Trường đại học Y dược TP.HCM? (Phan Ngọc Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Hóc Môn)
- Ngoài Trường đại học Y dược TP.HCM, phía nam còn có những trường đại học tuyển sinh ngành dược như: Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Lạc Hồng (ngành mới), Đại học Tây Đô, Đại học Võ Trường Toản, Đại học Nguyễn Tất Thành...
* Theo em biết thì mỗi học sinh có thể thi vào 2 trường đại học và nguyện vọng 2 của em là thi vào ngành kế toán - kiểm toán. Học lực của em ở mức trung bình, vậy em nên thi trường nào cho phù hợp? (Vũ Thu Hà, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Hóc Môn)
- Kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013 dự kiến vẫn như các năm trước, có nghĩa là chia làm 3 đợt, đợt 1 dành cho thí sinh khối A, A1; đợt 2 là khối B, C, D và các khối năng khiếu; đợt 3 thi cao đẳng. Theo đó, em có thể thi vào 2 trường đại học ở 2 đợt đầu, nhưng phải học ít nhất 2 khối khác nhau.
Ngành kế toán - kiểm toán có trường tuyển ở cả 3 khối A, A1, D1 như Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Sài Gòn…; có trường chỉ tuyển khối A, A1 như Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Ngân hàng TP.HCM…
Nếu học lực trung bình, em có thể thi vào một số trường lấy điểm chuẩn ngành này tương đương hoặc cao hơn điểm sàn một chút như: Đại học Hoa Sen (13,5 Đ), Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM (15,5 Đ), Đại học Mở TP.HCM (16 Đ), Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (16 Đ), Đại học Sài Gòn (16,5 Đ)…
Mỹ Quyên
(tổng hợp)
>> Thi vào ngành SP Mầm non như thế nào?
>> Chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 14: Gần với học sinh hơn
>> Sôi động chương trình Tư vấn mùa thi năm 2013
>> Khởi động chương trình Tư vấn mùa thi
Bình luận (0)