Nghỉ hưu đã lâu, nhưng cụ Nguyễn Ngọc Diệp vẫn chịu khó cập nhật kiến thức về tự động hóa. Quá trình ấy đã cho ra đời sản phẩm thú vị: chiếc máy báo trộm.
Cấu tạo của thiết bị gồm vi điều khiển Arduino, module sim có lắp sim điện thoại, loa nhỏ, cảm biến, 2 bộ nguồn 5 và 9V cung cấp cho vi điều khiển và module sim. Khi cảm biến phát hiện có người lẻn vào nhà, tín hiệu sẽ báo về bộ vi điều khiển. Lúc đó, bộ vi điều khiển sẽ “điều khiển” loa phát ra âm thanh báo động, đồng thời liên lạc với module sim để module sim nhắn tin cho chủ nhân (và một số người được chỉ định nhận tin báo). Chương trình được lập trình trước trên máy tính và truyền dữ liệu vào bộ vi điều khiển. Tuy dữ liệu ngắn, nhưng cụ Diệp phải tốn cả tuần để có được ý tưởng lập trình hay nhất.
Trước lo ngại và góp ý của nhiều người về nguy cơ hệ thống báo trộm sẽ mất tác dụng nếu kẻ trộm cắt nguồn điện, cụ Diệp quyết định đổi sang thiết bị chạy bằng pin hoặc ắc quy. Về phần thiết kế, con của cụ (một kiến trúc sư) đảm nhận hỗ trợ, sao cho có được thành phẩm vừa tiện lợi vừa có giá trị thẩm mỹ.
Đây không phải là sản phẩm “đầu tay” của cụ ông 80 tuổi đam mê sáng tạo và không ngừng học hỏi. Trước đó, cụ đã tự tay làm đồng hồ điện tử có hiển thị nhiệt độ và độ ẩm bằng thuật toán được lập trình trên máy tính. Đặc biệt là với sản phẩm máy tưới nước tự động, cụ Diệp tạo ra một cơ chế hoạt động dựa trên bộ cảm biến được lập trình sẵn; khi phát hiện đất khô, hệ thống sẽ tưới cho cây, đủ độ ẩm thì sẽ ngừng lại…
Thật thú vị khi những sản phẩm sáng tạo mới, trong đó có máy báo trộm, không phải là ngành chính mà vị cựu giảng viên chuyên ngành lập trình máy tính và động lực học từng giảng dạy.
Cụ Diệp có cách tạo hứng thú cho con cháu khi cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu về công nghệ. Cụ bảo, giới trẻ nên không ngừng học hỏi về máy móc thiết bị để “thích nghi” với thời đại 4.0.
Bình luận (0)