Đa dạng đánh giá năng lực vào lớp 6

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/05/2018 07:19 GMT+7

Quy định cho phép kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6 được các trường ngoài công lập tại Hà Nội hồ hởi đón nhận và áp dụng ngay từ năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh hình thức kiểm tra trên giấy, có trường đánh giá năng lực bằng trải nghiệm thực tế của học sinh.

Sở GD-ĐT TP.Hà Nội ra quy định khá cứng về kiểm tra, đánh giá năng lực vào lớp 6 một số trường “đặc thù” (bao gồm cả trường ngoài công lập) trên địa bàn cả về hình thức cũng như nội dung kiểm tra. Cụ thể, các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh (HS) đăng ký vượt quá chỉ tiêu sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh, báo cáo phòng GD-ĐT để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
Theo đó, HS phải thực hiện 2 bài kiểm tra (bài tổ hợp khoa học tự nhiên và toán; bài tổ hợp khoa học xã hội, tiếng Việt và tiếng Anh). Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GD-ĐT. Hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận. Thời gian làm bài là 60 phút/bài kiểm tra. Thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực vào 2 đợt: đợt 1 vào ngày 29.6, đợt 2 vào ngày 30.6.
Bài kiểm tra
Một số trường ngoài công lập như Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, Trường THCS Đoàn Thị Điểm đã công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 6 theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội.
Trường Lương Thế Vinh tuyển sinh căn cứ vào kết quả học tập trong học bạ của HS cả 5 năm tiểu học kết hợp với 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực (tính hệ số 2). Bài 1 gồm môn toán và môn khoa học; bài 2 gồm môn tiếng Việt, tiếng Anh và môn sử - địa. Trường này cho biết phát hành tới 3.000 hồ sơ dự tuyển (nhưng không thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể).
Kiểm tra năng lực bằng bài thi ngoại ngữ
Tại TP.HCM, duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức khảo sát năng lực sử dụng ngoại ngữ. Theo đó, năm học 2018 - 2019, trường tuyển 525 HS. HS thực hiện bài khảo sát vào ngày 14.6 với thời gian 90 phút chia đều cho 2 phần tự luận và trắc nghiệm. Trong đó, phần trắc nghiệm có 24 câu hỏi, tự luận có 8 câu hỏi, đề cập đến các lĩnh vực toán học tư duy, toán thực tiễn, năng lực tiếng Anh, hiểu biết tự nhiên, khoa học thường thức… Câu hỏi lĩnh vực khoa học tự nhiên là các vấn đề khoa học đời sống, thông tin, kiến thức khoa học vận dụng vào các tình huống trong cuộc sống. Còn lĩnh vực khoa học xã hội là các kiến thức về đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý. Trong đề bài khảo sát sẽ có những câu hỏi hoặc giữ nguyên phần trích dẫn tiếng Việt hoặc có chú thích những từ vựng tiếng Anh khó, lạ, phức tạp, chưa có nhiều thí sinh biết để phù hợp với năng lực, trình độ tiếng Anh của HS tiểu học.
B.Thanh
Trường THCS Đoàn Thị Điểm cũng áp dụng phương thức tuyển sinh này để tuyển 750 chỉ tiêu cho cả 2 cơ sở, lệ phí tuyển sinh là 200.000 đồng.
Trải nghiệm thực tế hoặc bài thi có môn đạo đức
Tuy nhiên, không ít trường ngoài công lập tự chủ về nguồn tuyển cũng như thời gian tuyển sinh đầu vào từ hàng chục năm nay sẽ đặt quyền lựa chọn của HS lên hàng đầu chứ không theo quy định của Sở về thời gian và cách thức tuyển sinh.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie, cho rằng nếu chỉ tuyển sinh vào 2 đợt mà Sở GD-ĐT quy định thì vô hình trung sẽ thu hẹp quyền lựa chọn của HS. Trường sẽ tuyển 360 HS, áp dụng hai cách tuyển sinh là tuyển thẳng và kiểm tra đánh giá năng lực. Đối tượng tuyển thẳng là HS hoàn thành chương trình lớp 5 của trường; với HS lớp 5 các trường khác cần làm 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút/bài, tổng điểm mỗi bài là 10 điểm. Bài 1 là tổ hợp các môn toán, tiếng Việt, đạo đức, khoa học, lịch sử và địa lý thuộc chương trình lớp 5 hiện hành. Bài 2 kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh. Trường cũng tuyển sinh sớm hơn so với hướng dẫn của Sở. Cụ thể, ngày 7 - 10.6 đăng ký dự tuyển; ngày 17.6 HS làm bài kiểm tra tại trường; ngày 19.6 thông báo HS đỗ chính thức và dự khuyết; ngày 19 - 20.6 phát giấy báo trúng tuyển, làm thủ tục nhập học cho HS đỗ chính thức; ngày 21.6 làm thủ tục nhập học cho HS dự khuyết (nếu còn chỉ tiêu).
Trường THCS Nguyễn Siêu không thực hiện việc đánh giá năng lực bằng bài thi trên giấy và thời gian từng đợt như hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội mà thay vào đó là đánh giá trên hoạt động trải nghiệm thực tế của HS tham gia dự tuyển. Cụ thể, HS đăng ký dự tuyển sẽ tham dự “Ngày hội định hướng cấp THCS” vào ngày 9.6. Tại ngày hội này, ban tuyển sinh của trường sẽ xét tuyển và đánh giá năng lực phẩm chất thông qua các hoạt động trải nghiệm theo mô hình ASK (thái độ, kỹ năng, kiến thức). Đại diện nhà trường cho hay, HS sẽ được tham gia nhiều hoạt động học tập kiến thức, văn nghệ, thể thao... Qua đó, giáo viên sẽ quan sát và đánh giá chỉ số năng lực về thái độ, kỹ năng và kiến thức của HS rồi chọn ra những em phù hợp với môi trường của trường.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết đánh giá năng lực là đánh giá việc "thực hiện" nên các trường cần lựa chọn phương thức phù hợp chứ không phải và không nên chỉ là các bài kiểm tra trên giấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.