Đại học Đà Lạt: Hướng đến những mục tiêu phát triển mới

18/06/2021 10:02 GMT+7

Phát huy truyền thống, nắm bắt thời cơ, đầu tư đúng hướng…

Đó là những gì Trường đại học (ĐH) Đà Lạt (Lâm Đồng) đang thực hiện rất hiệu quả, góp phần đưa nhà trường trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của xã hội, khẳng định uy tín, vị thế trong nước. Chúng tôi đã trao đổi với TS Lê Minh Chiến, Hiệu trưởng nhà trường xung quanh những vấn đề này.
Tiến sĩ Lê Minh Chiến

Tiến sĩ Lê Minh Chiến

Dấu ấn đã qua và những định hướng phát triển trong giai đoạn mới

- Tiến sĩ có thể khái quát về sự phát triển của nhà trường?
TS Lê Minh Chiến: ĐH Đà Lạt là một trường ĐH công lập được thành lập theo Quyết định số 426/TTg ngày 27.10.1976 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Viện ĐH Đà Lạt được thành lập từ năm 1957. Trong những năm đầu, trường được giao nhiệm vụ đào tạo một số ngành khoa học cơ bản về lĩnh vực khoa học tự nhiên như vật lý, sinh học, hóa học, toán học. Đến năm 1982, đào tạo thêm các ngành thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn; tháng 8.1982 trường tiếp nhận khoa sư phạm từ Trường ĐH Tây Nguyên chuyển sang và bắt đầu đào tạo các ngành sư phạm đến nay.
Không gian xanh của ĐH Đà Lạt nhìn từ trên cao

Không gian xanh của ĐH Đà Lạt nhìn từ trên cao

Từ năm 1986, trường thực hiện chiến lược mở rộng ngành nghề, trình độ và hình thức đào tạo. Đến nay, trường có tổng cộng 55 ngành đào tạo, gồm: 6 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, 8 ngành đào tạo thạc sĩ và 41 ngành đào tạo ĐH với đầy đủ tất cả các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật, kinh tế, luật, du lịch, khoa học xã hội và nhân văn,… ĐH Đà Lạt đã trở thành một trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng hầu hết nhu cầu nguồn nhân lực cho các lĩnh vực ngành nghề phù hợp với thế mạnh đặc thù của vùng Tây nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.
Ngoài các thế mạnh truyền thống về đào tạo các ngành khoa học cơ bản, cho đến nay, trường đã và đang tập trung đầu tư nguồn lực cho các lĩnh vực đào tạo về du lịch, kinh tế, công nghệ sinh học, nông lâm, kỹ thuật hạt nhân, ngôn ngữ, văn hóa tiếng nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
- Đội ngũ và công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) ở trường như thế nào, thưa tiến sĩ?
TS Lê Minh Chiến: Hiện nay trường có tổng cộng hơn 460 cán bộ cơ hữu, trong đó có 320 giảng viên với hơn 97% đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ sau ĐH, trong đó có 14 PGS-TS, 105 tiến sĩ. Số lượng giảng viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ chiếm 33%, vượt xa mức trung bình chung của các trường ĐH trong cả nước. Hiện trường có hơn 12.000 nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên (SV) ĐH.
ĐH Đà Lạt xứng đáng là môi trường học tập lý tưởng cho SV

ĐH Đà Lạt xứng đáng là môi trường học tập lý tưởng cho SV

Đến nay có gần 70.000 SV, học viên và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp từ Trường ĐH Đà Lạt, đóng góp một nguồn nhân lực chất lượng cao hết sức to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
Trong công tác NCKH, 5 năm qua có hơn 50 đề tài NCKH từ cấp quốc gia (Nafosted), cấp Bộ, cấp tỉnh; hơn 150 bài báo khoa học thuộc hệ thống trích dẫn khoa học quốc tế ISI/Scopus đã được các giảng viên, nhà khoa học của trường thực hiện bên cạnh hàng trăm công trình được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước. Đặc biệt, liên tục 3 năm trở lại đây, số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong hệ thống ISI của trường được Bộ GD-ĐT tặng thưởng hằng năm luôn nằm trong top 30 trường ĐH hàng đầu của cả nước. ĐH Đà Lạt là thành viên của tổ chức CDIO quốc tế về chuẩn đầu ra chương trình ĐT; tạp chí khoa học của trường là một trong số ít các tạp chí khoa học của cả nước được trích dẫn trong hệ thống trích dẫn khoa học của các quốc gia Đông Nam Á - ACI.
- ĐH Đà Lạt có kế hoạch gì để tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
TS Lê Minh Chiến: Với quan điểm lấy chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn của trường, trong giai đoạn mới, trường tiếp tục tăng cường đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh chính sách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo của trường. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng số hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đào tạo và trong các hoạt động của trường. Đẩy mạnh việc dịch chuyển ngành nghề đào tạo sang hướng ứng dụng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Đầu tư cho một số khoa ngành trọng điểm; nhanh chóng kiểm định các chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo, NCKH, đặc biệt là việc hình thành các trung tâm, viện nghiên cứu hợp tác giữa nhà trường với DN nhằm tăng cường hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ. Từng bước nâng cao vị trí xếp hạng của trường ở trong khu vực và quốc tế.

Tăng cường liên kết, hợp tác, hội nhập quốc tế, phát huy giá trị cốt lõi “Chất lượng, sáng tạo, trách nhiệm”

- TS có thể cho biết, việc liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế ở ĐH Đà Lạt được thực hiện ra sao và SV được hưởng lợi gì trong việc này?
TS Lê Minh Chiến: Năm 2012, sau khi Chính phủ giao đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhà máy điện nguyên tử, ĐH Đà Lạt chủ động hợp tác với các trường ĐH, viện nghiên cứu, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ các nước Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản để đưa cán bộ, giảng viên, SV đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước này. Đồng thời, hiện đại hóa về cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm; mời giảng các giáo sư, nhà khoa học từ các nước nói trên đến tham gia xây dựng chương trình đào tạo và tham gia giảng dạy, hướng dẫn NCKH cho SV và giảng viên của ngành kỹ thuật hạt nhân.
Uy tín từ việc này, nhiều cơ sở giáo dục ĐH, cơ quan, tổ chức đến từ các nước khác như Mỹ, Canada, Israel,… đã tìm đến với ĐH Đà Lạt và đặt nhiều mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về các hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, khu sản xuất thử nghiệm. Hỗ trợ các giáo sư, nhà khoa học tham gia giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn NCKH tại trường; hỗ trợ học bổng cử giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là hỗ trợ nhiều suất học bổng đi thực tập sinh tại nước ngoài cho SV của trường. Qua đó SV có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế.
Chương trình đào tạo của ĐH Đà Lạt phù hợp với nhu cầu thực tế

Chương trình đào tạo của ĐH Đà Lạt phù hợp với nhu cầu thực tế

Năm 2015, trường thực hiện xây dựng lại tất cả các chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ theo chuẩn đầu ra quốc tế CDIO, áp dụng từ năm 2016. Đây là chương trình đào tạo chú trọng không chỉ kiến thức mà còn tăng cường đào tạo kỹ năng và thái độ thông qua việc tích hợp các nội dung giảng dạy lý thuyết và thực hành vào tất cả các học phần nhằm tạo ra sự hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, mang đến cho SV ưu điểm lớn trong việc sử dụng thời gian kép để vừa học lý thuyết lại vừa có cơ hội thực hành, thực tập ngay, tạo ra chất lượng chuẩn đầu ra có thể đáp ứng hiệu quả mọi nhu cầu của xã hội. Tháng 3.2017, Trường ĐH Đà Lạt chính thức trở thành thành viên của tổ chức CDIO quốc tế.
Tháng 4.2020, ĐH Đà Lạt chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới đảm bảo chất lượng của các trường ĐH Đông Nam Á, AUN-QA, thuộc mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á - AUN. Việc trở thành thành viên liên kết của AUN-QA không chỉ giúp cho trường tiếp tục thực hiện đổi mới các hoạt động đào tạo, NCKH và các hoạt động khác của trường theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn trong khu vực, mà còn tạo điều kiện để trường cũng như các chương trình đào tạo của trường được kiểm định và công nhận chất lượng bởi AUN-QA. Từ đó giúp trường có thêm nhiều cơ hội hợp tác với AUN cũng như các đối tác của AUN và các trường trong mạng lưới trong việc triển khai hoạt động đào tạo, NCKH, trao đổi SV, nâng cao năng lực đội ngũ và công tác quản lý chất lượng.
Quốc tế hóa chương trình đào tạo và kiểm định chương trình theo chuẩn quốc tế, tăng cường hội nhập, hợp tác trong đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ với các nước phát triển chính là con đường để ĐH Đà Lạt phát triển bền vững phù hợp với giá trị cốt lõi đã được xác định là “chất lượng - sáng tạo - trách nhiệm”.

Thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh mới

- Tiến sĩ có thể cho biết thêm, việc hợp tác với các DN trong việc đào tạo được nhà trường thực hiện ra sao?
TS Lê Minh Chiến: Hợp tác với DN trong đào tạo và NCKH, chuyển giao công nghệ là một trong các vấn đề sống còn của các trường ĐH trong bối cảnh xã hội biến đổi liên tục. Với quan điểm đó, thời gian qua, trường đã ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy việc hợp tác với DN. Bên cạnh việc mời DN, các đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm xây dựng các nội dung sát với thực tiễn. Năm 2020 trường đã ban hành chính sách khuyến khích các khoa mời các học giả, các doanh nhân, chuyên gia tham gia đồng giảng dạy với giảng viên cũng như tổ chức các buổi tham luận chuyên đề cho SV, giảng viên nhằm tăng cường cập nhật các nội dung đào tạo sát với thực tiễn.
Liên kết, hợp tác với DN để hình thành các trung tâm, viện nghiên cứu, DN, khu nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và chuyển giao sản phẩm trong trường là một trong những chiến lược mà trường đã và đang triển khai. Trung tâm đào tạo trí tuệ nhân tạo do Tập đoàn liên Thái Bình Dương IPP của doanh nhân nổi tiếng Johnathan Hạnh Nguyễn đầu tư; Viện nghiên cứu Mắc ca phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và Công ty TNHH MTV Him Lam xây dựng; các khu nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và chuyển giao giống cây trồng do Công ty TNHH Dalat Hasfarm và Hàn Quốc đầu tư,… là các dự án đã và đang được thực hiện tại Trường ĐH Đà Lạt, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của trường trong việc thay đổi tư duy, phương thức quản trị ĐH nhằm thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của xã hội.
Kết nối các chiến lược phát triển bền vững, Trường ĐH Đà Lạt hướng tới các mục tiêu phát triển dài hạn để trở thành một trong những cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực, NCKH và chuyển giao công nghệ có uy tín, là một bộ phận không tách rời của Đà Lạt - Lâm Đồng.
- Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!
Thực hiện chiến lược dịch chuyển ngành nghề đào tạo theo hướng ứng dụng, phù hợp với thế mạnh của trường và nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Lâm Đồng, Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, năm 2021, Trường ĐH Đà Lạt chính thức tuyển sinh thêm 8 ngành đào tạo trình độ ĐH mới, bao gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ thực phẩm, Tài chính - Ngân hàng, Trung Quốc học, Văn hóa du lịch và ngành Dân số và Phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.