Đại học Hùng Vương sẽ sớm tuyển sinh trở lại

16/04/2016 15:38 GMT+7

Sau 4 năm bị ngừng tuyển sinh, trả lời Thanh Niên, TS Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), cho biết nhà trường đang ổn định và đã sẵn sàng cho công tác tuyển sinh trở lại.

Sau 4 năm bị ngừng tuyển sinh, trả lời Thanh Niên, TS Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), cho biết nhà trường đang ổn định và đã sẵn sàng cho công tác tuyển sinh trở lại.

Một trong những cơ sở của ĐH Hùng Vương
 - Ảnh: T.HMột trong những cơ sở của ĐH Hùng Vương - Ảnh: T.H
Để tuyển sinh trở lại, trường đã chuẩn bị những gì để có thể nhận được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT, thưa bà?
Trường ĐH Hùng Vương thành lập năm 1995 và chuyển đổi loại hình từ dân lập sang loại hình tư thục năm 2010. Năm 2012, ĐH Hùng Vương bị Bộ GD-ĐT cho ngưng tuyển sinh với lý do “Mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường; mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và môi trường giáo dục”. Sau thời hạn ngừng tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh được khắc phục thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét cho phép nhà trường tuyển sinh trở lại. Việc không có sinh viên để đào tạo không chỉ ảnh hưởng đến nhiệm vụ giáo dục đào tạo của nhà trường mà còn ảnh hưởng đến nguồn tài chính chi cho hoạt động bình thường của nhà trường.
Về cơ sở vật chất, trong các cuộc họp hội đồng quản trị (HĐQT) và văn bản báo cáo Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT thì hiện tại nhà trường vẫn đảm bảo diện tích sàn để phục vụ trên dưới 1.000 sinh viên. Ngoài ra, Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn, một cổ đông của trường, cũng góp vào trường phần đất và phần cơ sở vật chất của họ đang sở hữu tại công viên phần mềm Quang Trung. Các dự án xây dựng trường do ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT nhà trường, là chủ đầu tư cũng đảm bảo cho việc phát triển nhà trường khi trường được tuyển sinh trở lại. Hiện nay nhà trường chỉ còn 40 sinh viên nên với cơ sở vật chất như vậy trong giai đoạn trước mắt tôi nhận thấy vẫn đảm bảo cho việc đào tạo và trong vài năm trường sẽ có cơ ngơi hoàn chỉnh. Điều quan trọng nhất là hãy cho chúng tôi được tuyển sinh trở lại.
Trong cuộc họp với trường gần đây, ông Đặng Thành Tâm cho biết các cổ đông đã họp và đã có thông báo sẵn sàng góp vốn để trường đủ 250 tỉ đồng nhằm phát triển mô hình bất vụ lợi ở VN. Ông Tâm cũng cam kết tham gia góp vốn cá nhân để xây dựng nhà trường. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn UBND TP.HCM hướng dẫn tổ chức đại hội đồng cổ đông bầu HĐQT mới, để cổ đông có thể góp vốn xây dựng cơ sở vật chất cho trường. Đồng thời mong Bộ GD-ĐT sớm cho trường tuyển sinh trở lại.
Đội ngũ nhân sự ĐH Hùng Vương phản ứng như thế nào trước thông tin cho rằng ông Đặng Thành Tâm là nguyên nhân gây ra tình cảnh hiện nay của trường?
Trường chúng tôi đã và đang giải quyết hầu hết các nguyên nhân dừng tuyển sinh. Hiện nay việc mất đoàn kết nội bộ trong trường không còn nữa, chúng tôi đã khắc phục. Tất cả một lòng vì sự ổn định của trường. Một số đơn thư thiếu hợp tác, thiếu tính xây dựng khi cho rằng ông Đặng Thành Tâm là người khiến trường ra nông nỗi này là không đúng sự thật. Thực tế, ông Tâm vào trường từ năm 2004 đã góp ngay 1,6 tỉ đồng để trường trả lại Ngân hàng Việt Hoa và ông Tâm đại diện vốn 1,6 tỉ/2,4 tỉ đồng vốn điều lệ nhà trường lúc bấy giờ. Ông ấy do Thành ủy TP.HCM mời tham gia vào trường với vai trò nhà bảo trợ cho Trường ĐH dân lập Hùng Vương và ngay sau khi trường chuyển sang tư thục năm 2010 thì ông ấy cũng đã đầu tư vào trường 50 tỉ đồng. Đó hoàn toàn là khoản đầu tư không vụ lợi, không lấy một đồng lãi nào và ông Tâm cũng không tham gia quản lý trường mà hoàn toàn để ông Lương Ngọc Toản lúc ấy là Chủ tịch HĐQT, ông Lê Văn Lý là hiệu trưởng điều hành nhà trường. Việc mâu thuẫn nội bộ không thể đổ lỗi cho ông Tâm được. ĐH Hùng Vương phải ghi ơn ông ấy chứ nói như hiện nay là không phù hợp đạo lý xưa nay của người Việt. Hiện nay, trường chúng tôi đang làm hết sức có thể để được tuyển sinh trở lại.
Quyết định cho một số cán bộ nhân viên - giáo viên cơ hữu của trường nghỉ việc đến nay đã được giải quyết như thế nào?
Việc chấm dứt hợp đồng lao động của trường đối với cán bộ nhân viên - giáo viên cơ hữu là do yếu tố khách quan là nhà trường không được tuyển sinh, thâm hụt vốn pháp định, nguồn thu không có nhưng chi tiêu hằng tháng vẫn diễn ra như khi còn sinh viên. Đó là lý do trường phải chấm dứt hợp đồng lao động vì không còn việc để làm. Cho nghỉ việc đội ngũ nhân sự của trường là việc làm không ai mong muốn. Chúng tôi nghĩ không một nhà lãnh đạo nào muốn xử lý theo cách này. Trong thời gian qua trường còn rất ít việc và kể cả nhiều đơn vị không còn việc để làm nhưng vẫn đảm bảo duy trì lương, tăng lương bình thường. Còn việc cho nghỉ vừa qua là việc bất khả kháng.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT nhà trường là ông Đặng Thành Tâm, nhà trường kiên quyết phải chi trả trợ cấp nghỉ việc cho người nghỉ việc với mức cao nhất mà luật Lao động quy định về trợ cấp nghỉ việc. Ngoài ra còn trợ cấp ngoài quy định cho mỗi người 1 tháng lương và tiếp tục ký kết hợp đồng lao động với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Trường đại học Hùng Vương (cổ đông của trường) để tiếp tục làm việc tại trường theo ký kết hợp tác sử dụng nhân lực giữa công ty và nhà trường. Việc làm này vừa đảm bảo công việc của mọi người, không mất việc, cũng như duy trì đội ngũ giảng viên cho trường cho công tác tuyển sinh sắp tới. Khi trường được đại hội đồng cổ đông thì tức nhiên nhà trường sẽ mời những nhân sự này ký lại hợp đồng làm việc với nhà trường. Bên cạnh đó, Phòng Tổ chức pháp chế của trường và công ty phối hợp chuẩn bị cả đội ngũ nhân sự có học hàm học vị từ thạc sĩ trở lên để khi được UBND TP.HCM cho phép đại hội đồng cổ đông, công nhận HĐQT và hiệu trưởng, nhà trường sẽ tuyển dụng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.