Đào tạo cử nhân không phép

13/11/2011 23:40 GMT+7

Chỉ được cấp phép cho các chương trình ngắn hạn nhưng Trung tâm dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles (viết tắt là RITC) tại TP.HCM nhiều năm vẫn tuyển sinh và đào tạo cả chương trình cử nhân.

Chỉ được cấp phép cho các chương trình ngắn hạn nhưng Trung tâm dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles (viết tắt là RITC) tại TP.HCM nhiều năm vẫn tuyển sinh và đào tạo cả chương trình cử nhân.

Phép cấp một đằng, chiêu sinh một nẻo

 
Ông Hwong Kee Hong (giữa) - Tổng giám đốc Trung tâm Raffles trong buổi làm việc với Báo Thanh Niên - Ảnh: Đăng Nguyên

Trong thông tin tuyển sinh đăng trên website của trung tâm tại www.raffles.edu.vn vào ngày 29.10.2011 có đăng thông báo chiêu sinh 8 chương trình đào tạo cử nhân thiết kế và kinh doanh với thời gian đào tạo 3 năm để lấy bằng CĐ do Trường CĐ Thiết kế và thương mại Raffles (Raffles Colleges of Design and Commerce, Sydney, Úc, viết tắt là RCDV) cấp.

Trung tâm này chỉ được cấp phép đào tạo nghề ngắn hạn, chưa hề được cấp phép đào tạo cử nhân

Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM

Trong đó, chương trình cử nhân thiết kế gồm các chuyên ngành: thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện, thiết kế thời trang và thiết kế nội thất. Chương trình cử nhân kinh doanh gồm các chuyên ngành: quản trị kinh doanh, quản trị marketing, tài chính, du lịch khách sạn. Trên website của Raffles International Admissions Office (www.raffles-iao.vn) ngày 11.11 vẫn đăng thông báo chiêu sinh chương trình cử nhân Úc tại Việt Nam cho cơ sở tại TP.HCM (địa chỉ 117 Nguyễn Văn Trỗi, P.12, Q.Phú Nhuận). Thông báo này còn giới thiệu chương trình chuyển tiếp linh hoạt sang Úc, New Zealand, Singapore và các quốc gia khác… Hàng loạt các thông báo chiêu sinh cũng như tư vấn về trường được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cũng có thông tin tương tự.

Nhiều học viên cho biết đã nhận bằng ĐH và CĐ tại RITC. Trong buổi lễ tốt nghiệp ngày 20.5.2011 vừa qua tại TP.HCM, có 10 học viên tiêu biểu được chọn phát biểu. Trong đó, một du học sinh Nigeria đang học năm cuối tại đây cho biết mình đã tốt nghiệp và nhận bằng CĐ và đang tiếp tục học thêm để nhận bằng ĐH vào năm 2012. Trên website http://www.raffles-iao.vn/ cũng có câu chuyện của hai học viên đã tốt nghiệp, nhận bằng CĐ tại đây và đang làm việc tại một công ty chuyên về nội thất.

Giải thích vòng vo

Về việc thông báo tuyển sinh nhiều hơn 4 ngành được cấp phép, ông Hwong Kee Hong giải thích: “Trung tâm của chúng tôi là một chi nhánh của Tập đoàn giáo dục

Raffles với nhiều trường. Vì vậy, một số quảng cáo của chúng tôi là quảng cáo chung cho toàn bộ tập đoàn. Nếu Raffles có một số quảng cáo sai quy định hay gây hiểu lầm thì chúng tôi sẽ được các cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn, và chúng tôi sẽ hợp tác để thay đổi cho đúng”.

Theo đúng giấy phép hoạt động, tên gọi chính thức của đơn vị này chỉ là trung tâm đào tạo nghề. Trong khi đó, trên website lại “tự xưng” với tên gọi “Trường quốc tế Raffles”. Tuy nhiên, ông Hwong Kee Hong cho rằng: “Việc RITC sử dụng từ “trường” như một từ chung để đại diện cho trung tâm đào tạo trong một số quảng cáo, chứ không phải chỉ tên gọi của trung tâm này!”. 

Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, khẳng định: “Trung tâm này chỉ được cấp phép đào tạo nghề ngắn hạn, chưa hề được cấp phép đào tạo cử nhân”. Như vậy, so với giấy phép hoạt động, RITC tuyển sinh và đào tạo nhiều hơn số ngành cho phép và đào tạo cả bậc học cao hơn.

Cố tình lập lờ

Trong quảng cáo đăng trên phương tiện truyền thông mới đây, RITC cho rằng: “RITC Việt Nam cung cấp các khóa học ngắn hạn theo chế độ chứng chỉ về các chuyên ngành thiết kế, song song với chương trình đào tạo từ xa liên thông chương trình cử nhân ĐH của RCDV...”. Tuy nhiên RITC chỉ nêu được cơ sở pháp lý công nhận trường RCDV từ các cơ quan chức năng của Úc chứ không trưng ra được bằng chứng cho phép hoạt động chương trình này tại Việt Nam.

Chiều ngày 11.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hwong Kee Hong - Tổng giám đốc RITC, thừa nhận: “Đây chỉ là trung tâm đào tạo các chương trình ngắn hạn, học viên học tại đây sẽ được cấp các chứng chỉ nghề. Trung tâm này không hề tuyển sinh, đào tạo cũng như cấp bằng cử nhân. Tuy nhiên, các học viên của trung tâm sau khi hoàn thành khóa học theo chế độ chứng chỉ có thể nộp hồ sơ xin chuyển điểm vào trường RCDV. Nếu đủ điều kiện theo quy định, sinh viên mới được trao bằng cử nhân của trường RCDV”. Ông Hwong Kee Hong giải thích về quy trình để nhận bằng cử nhân khi học tại trung tâm: “Đó là chương trình chuyển tiếp sang các trường thuộc hệ thống của Raffles ở nước ngoài thông qua việc quy đổi các chứng chỉ”. Như vậy, về hình thức RITC có thể không cấp bằng cử nhân nhưng bản chất đây là một kiểu liên thông từ xa với các trường nước ngoài để cấp bằng cử nhân nhưng chưa được cấp phép.

Những hình thức lập lờ trong đào tạo như RITC đang làm là một vấn đề nổi cộm, thực tế phát sinh tại TP.HCM. Ông Nguyễn Thành Hiệp cũng thừa nhận: “So với quy định hiện hành thì cách làm này có gì đó mang tính “lách” quy định để đào tạo một trình độ mà các đơn vị chưa được phép. Trong chừng mực đây là nguyên nhân gây ra những dư luận thiếu tích cực trong hoạt động quảng cáo, chiêu sinh, đào tạo của các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài”.

Trước đó, ngày 25.10.2010, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã lập đoàn thanh tra tại RITC và xác định đây là cơ sở dạy nghề có hành vi tổ chức đào tạo các nghề trình độ CĐ khi chưa được các cơ quan thẩm quyền cho phép. Qua đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính trung tâm này. Qua tìm hiểu hoạt động của RITC, mới đây cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cũng xác định nơi này quảng cáo cấp bằng cử nhân ĐH và CĐ sai quy định.

Tuyển sinh liên kết đào tạo cử nhân là phạm luật

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT cho biết: “Trong dữ liệu của Cục, trung tâm này không được cấp phép liên kết đào tạo. Nếu họ tuyển sinh liên kết đào tạo cử nhân là phạm luật. Tôi cho rằng chính quyền địa phương và bên công an phải vào cuộc để kiểm tra, xử lý ngay”.

RITC chỉ được cấp phép đào tạo nghề ngắn hạn, hoàn toàn không được phép đào tạo chương trình cử nhân. RITC có tên gọi cũ là Trung tâm dạy nghề đào tạo thiết kế Raffles, được thành lập theo giấy phép đầu tư của UBND TP.HCM cấp ngày 6.12.2005 về dạy nghề thiết kế. Sau đó, trung tâm này được Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề vào ngày 7.12.2007. Căn cứ theo giấy phép này, RITC chỉ được đào tạo 4 nghề: thiết kế nội thất, thiết kế tương tác Media, thiết kế đồ họa và thiết kế thời trang với quy mô 100 học viên.

Vũ Thơ

Hà Ánh -  Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.