Chuyên gia cambridge cũng chịu
Nhận xét về đề thi tiếng Anh để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT chuyên, ông Nguyễn Bá Trường Giang, người sáng lập một trung tâm ngoại ngữ có tiếng ở Hà Nội, tỏ ra rất bức xúc về các kiểu bài tập tiếng Anh đánh đố luyện chuyên mà theo ông “mấy cái dạng bài tập đó chả liên quan gì đến cái tiếng Anh hiện đại cả”. Ví dụ, bài tập biến đổi từ (word formation), rất phi thực tế và vượt quá sức học của bất kỳ một người học tiếng Anh nào, kể cả giỏi nhất. Không ai có thể nghĩ nổi ra cách biến đổi từ “cry” thành từ “lachrymose” vì hai từ này là khác biệt, không cùng gốc về từ loại, và không thể có phái sinh của nhau, mặc dù nghĩa của chúng là có liên quan. “Lachrymose” nghĩa là đầy nước mắt (tính từ) còn “cry” là một danh từ và động từ.
“Tôi không hiểu nguồn gốc của những kiểu bài tập này ở đâu ra, nhưng nếu cho các chuyên gia của Cambridge ngồi làm chắc cũng… chịu”, ông Giang cười nói.
Tại kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội vừa qua, ví dụ với Trường THPT Chuyên ngoại ngữ, nhiều ý kiến cho rằng đề thi môn văn quá khó. Một giáo viên (GV) dạy chuyên văn của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam còn cho rằng, đề văn điều kiện để tuyển sinh vào lớp 10 mà lại phù hợp với đề thi dành cho kỳ thi chọn… học sinh (HS) giỏi văn lớp 12. GV này chỉ ra rất cụ thể về việc thiếu tính khoa học, tính thực tiễn của đề thi so sánh với trình độ của một HS mới hoàn thành chương trình lớp 9 ở trường THCS. Ví dụ đề thi yêu cầu khả năng về lý luận văn học của HS, trong khi cả chương trình HS không hề được học.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, cho rằng đề thi cần phải phân hóa, nhất là những đề thi dùng vào mục đích tuyển sinh vào lớp 10 hay ĐH, bởi nếu xây dựng một ma trận đề thi với những câu hỏi mà hầu hết HS đều trả lời được hoặc không trả lời được là một đề thi thất bại. Tuy nhiên, theo ông Lâm, phân hóa không phải là đánh đố và nhồi nhét kiến thức, những câu hỏi phân hóa phải kiểm tra được tư duy, vận dụng thực tiễn của HS thì mới thúc đẩy ngược lại quá trình dạy học tìm tòi, sáng tạo của thầy trò.
Đề phải căn cứ vào mục đích kỳ thi
Không ít lần GV, HS và dư luận xã hội phải than trời về việc đề thi lắt léo, đánh đố.
PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, cho rằng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì phải đặt ra mục tiêu xây dựng đề thi là kiểm tra kiến thức, kỹ năng HS đã học ở cấp học dưới, nếu HS nào đạt thì mới được chuyển lên học tiếp ở cấp THPT. Trong bối cảnh cấp THPT không cung cấp đủ chỗ học thì HS phải chấp nhận việc lựa chọn từ trên xuống.
Theo bà Nga, mục tiêu trên khiến cho tính chất của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ khác với kỳ thi tuyển sinh ĐH. Vì từ lớp 9 lên lớp 10 là một quá trình học tập có tính chất liên tục, chứ không phải là một bước ngoặt mà trong đó hoạt động học tập thay đổi hẳn về chất như từ học phổ thông lên học ĐH. Do đó, đề thi vào lớp 10 phải không được quá khó, để tất cả những HS đạt yêu cầu về kiến thức kỹ năng của cấp học dưới phải đạt điểm trung bình.
Việc một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mà để xảy ra tình trạng nhiều HS điểm kém, theo bà Nga là do hai khả năng. Thứ nhất nếu là đề thi tốt, là do ở cấp THCS, HS tuy được học nhưng chưa được đầy đủ, nên kiến thức kỹ năng chưa đạt được mức trung bình. Thứ hai, lỗi do nhóm ra đề là đã làm ra một đề thi chất lượng không tốt. Với dạng thức thi lạ thì ngay cả với HS khá khi gặp phải cũng sẽ lúng túng, lo lắng, vì thế mà ảnh hưởng tới kết quả thi.
Để có một đề thi tốt ?
Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2017 khiến dư luận xôn xao vì có những môn thi "mưa" điểm 10. Đến năm 2018, khi công bố đề tham khảo Bộ
GD-ĐT lại khiến các nhà trường lo lắng về đề thi tham khảo thay đổi theo hướng nhiều câu hỏi phân hóa. Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, lo lắng cho rằng hầu như đề thi của các môn thi theo đề minh họa đều tăng độ khó lên rất nhiều, như là để thi tuyển ĐH chứ không phải xét tốt nghiệp THPT. “Một đề thi như vậy sẽ không khuyến khích được việc đổi mới phương pháp dạy học, thay vào đó HS và các nhà trường sẽ chỉ lao vào học theo kiểu luyện thi như trước kia”, ông Hòa nói.
Bà Phương Nga cho rằng để ra được một đề tốt, nhóm ra đề cần phải xây dựng được bảng ma trận cấu trúc đề thi làm sao đánh giá được kiến thức kỹ năng cơ bản nhất mà cấp học yêu cầu, muốn như thế họ phải bám vào kiến thức kỹ năng cốt lõi. Nội dung các câu hỏi thi phải nằm trong chương trình học của HS. Đề thi phải có độ phân hóa, các ý phải có độ khó tăng dần lên, phân loại được HS. Nhưng yêu cầu đầu tiên là HS trung bình phải đạt điểm trung bình, vì đây không phải là đề thi chọn HS giỏi mà là tuyển sinh vào lớp 10.
Trả lời trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội mới đây về quy trình ra đề thi THPT quốc gia và băn khoăn về đề thi liệu có quá dễ hoặc quá nặng, quá ôm đồm kiến thức mà không đánh giá được thực chất năng lực của người học, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng GD-ĐT, cho rằng năm 2017 do là năm đầu tiên thực hiện thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn nên độ phân hóa của các câu hỏi, bài thi chưa được như mong muốn. Khắc phục điều này, theo ông Nhạ, năm 2018 Bộ chỉ đạo nhóm tác giả và các giáo viên xây dựng đề thi làm sao các câu hỏi chuẩn xác, xây dựng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức, năng lực của HS phân hóa tốt hơn.
Với đề thi do các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm ra đề, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn khá cụ thể và tập huấn cho các sở ra đề thi. Tuy nhiên, bộ này cũng hơn một lần phải ra văn bản nhắc nhở về việc vẫn có một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm túc quy định về việc ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học, như ra đề kiểm tra còn thiếu tính chính xác, vượt quá yêu cầu của chương trình… gây băn khoăn, bức xúc trong xã hội.
Ý KIẾN
Quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa
Quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt. Mỗi bước lại bao gồm rất nhiều quy trình nhỏ để chuẩn hóa câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi thi. Việc thử nghiệm đề thi là một bước không thể thiếu trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Quy trình này giúp cho các chuyên gia có căn cứ để tinh chỉnh hoặc loại bỏ các câu hỏi thi chưa đúng mục tiêu cần đo trước khi thực hiện chọn lọc các câu hỏi thi đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
TS Sái Công Hồng (Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT)
Hệ lụy của đề thi không tốt
Nếu có một đề thi không tốt, hệ lụy của nó trước hết là gây khó khăn cho các trường THPT trong việc lựa chọn HS vào học. Đề không tốt, điểm quá thấp hay quá cao, không phân hóa được thì lựa chọn của các trường sẽ mang nhiều may rủi, vì có thể HS điểm sàn sàn nhau nhưng thực ra lực học là rất chênh nhau. Trong tình huống nhiều HS điểm thấp thì các trường sẽ khóc dở mếu dở. Hệ lụy tiếp theo là gây sốc cho phụ huynh, HS, và cho các thầy cô ở cấp dưới.
PGS Nguyễn Phương Nga (Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN)
Không nắm được thực tế trình độ của HS ?
Tôi rất ngạc nhiên về tỷ lệ TS đạt điểm toán dưới trung bình cao như thế trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM vừa qua. Hiện tượng của TP.HCM, tôi cho là do đề thi quá khó, bởi có thể loại trừ ngay khả năng HS học yếu đến mức độ đó. Theo suy đoán của tôi, nguyên nhân chủ yếu là do nhóm ra đề không bám sát được trình độ HS tham gia kỳ thi.
Ông Phạm Văn Hoan (Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, Q.Đống Đa, Hà Nội)
|
Bình luận (0)